Mang những vết u cục, thâm tím trên tay, những bệnh nhân chạy thận luôn phải tìm cách giấu chúng đi mỗi khi ra đường, phải tránh làm việc nặng để bảo vệ cầu thận... Dù vậy, họ vẫn tìm được niềm vui nhỏ bé mong manh ngay từ chính căn bệnh của mình.
Tiết trời Hà Nội mát mẻ hơn sau những ngày nắng nóng nghẹt thở. Quán nước đầu xóm trọ rôm rả những câu chuyện không đầu không cuối.
“Người ta bảo vào đây toàn dân hút chích thôi!”, bà Nguyễn Thị Sinh – mẹ của một người bệnh chạy thận đang sống ở xóm chạy thận nhìn theo cánh tay chứa cầu tay của vài người ngồi cạnh.
Như mọi ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7, anh Phạm Văn Trung (sinh năm 1976, quê Lạng Giang, Bắc Giang) di chuyển tới một xưởng may gia đình cách nơi trọ gần 3 cây số sau khi kết thúc ca chạy thận.
Những ngày còn lại trong tuần, anh Trung rời xóm chạy thận từ 7 giờ 30 phút sáng. Bao giờ cũng thế, anh luôn có thói quen đi ăn sáng ở đầu ngõ rồi mới tới Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai hoặc chỗ làm.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, anh Trung cũng chỉ mặc một loại áo dài trùm kín cánh tay. Anh luôn buông tay áo che vết u cục mỗi khi đến nơi có nhiều người lạ, cho dù điều đó khiến bữa ăn của anh thêm vướng víu hay làm cơ thể anh thêm nóng bức.
Cũng chính vì vậy mà anh Trung thích những ngày mùa đông hơn. Trong những ngày lạnh đó, anh có thể thoải mái mặc áo dài tay che đi sự tự ti của mình mà không lo sợ ánh mắt tò mò từ người đối diện.
Anh Trung tâm sự, có hai nơi mà anh thoải mái được là chính mình nhất. Là xóm chạy thận với 121 người đồng bệnh và chỗ làm – nơi cũng có những người cách ngày phải lọc thận một lần như anh.
Vì vậy, vừa tới chỗ làm, anh Trung đã nhanh chóng thay chiếc áo ba lỗ, để lộ cánh tay trái đang đeo 2 chiếc garo to bản do anh vừa kết thúc ca lọc thận cách đó vài tiếng đồng hồ.
Ở cùng xóm trọ với anh Trung, chị Vương Thị Xuyên, (sinh năm 1986, quê Ba Vì, Hà Nội) đang chuẩn bị bữa trưa ngày hè. Nếu không tới bệnh viện chạy thận thì chị chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ rộng vài mét vuông và xóm trọ với những con người giống như mình.
Khi ở cùng mẹ, chị Xuyên có thể thoải mái mặc áo cộc tay, để lộ cánh tay u cục, thâm đen nhưng cứ hễ bước chân ra khỏi cổng, chị vội vàng phủ lên người chiếc áo dài tay trùm kín.
Người phụ nữ chạy thận đã 10 năm ấy tự ti về cánh tay có cầu chạy thận của mình đến mức đi đâu cũng muốn giấu nhẹm đi. Chị cũng muốn được tung tăng ra phố, khoác lên mình những bộ đồ mùa hè mát mẻ nhưng những nốt u cục và đậm màu đã ngăn chị thực hiện điều đó.
Một phần chị Xuyên không muốn ai đó xa lạ trên đường biết chị đang phải chạy thận, một phần chị sợ ánh mắt hoảng hốt, xa lánh khi tình cờ chạm vào những vết u cục đó trên đường.
Kinh nghiệm của một người gắn liền với việc chạy thận 14 năm và lời căn dặn của bác sĩ: “Không được xách những vật nặng quá 5 cân ở nơi cánh tay làm cầu vì có thể sẽ khiến cầu bị hỏng” như một lời nhắc nằm lòng của anh Trung.
Vì vậy, anh Trung cũng như nhiều người khác trong xóm chạy thận, nếu có sức lao động thì cố gắng chọn công việc không phải mang vác nặng để bảo vệ cầu tay. Bởi mỗi lần hỏng cầu tay, phải làm lại thì vừa tốn kém lại mất thời gian bình phục.
Sau những giờ chạy thận mệt nhoài, chị Xuyên tìm niềm vui từ chính nỗi đớn đau của mình.
Đã 10 năm kể từ ngày chị Xuyên buộc phải từ bỏ mục tiêu cuộc đời vì căn bệnh suy thận độ 4. Những ngày chạy thận triền miên cuốn chị đi theo những mệt nhoài phải gắng gượng.
Vì vậy, chị Xuyên luôn cố gắng tự tìm kiếm niềm vui sống mỗi ngày. Thi thoảng, chị áp cầu tay vào tai người mẹ của mình, như một cách trêu đùa người đã luôn sát cánh bên chị ở xứ người đã một thập niên.
Ở dãy trọ bên cạnh, anh Chu Đức Cương (sinh năm 1976, quê Ứng Hoà, Hà Nội) cũng hay giơ cầu tay cho mấy đứa trẻ trong gia đình đùa vui.
Cách ngày phải chạy thận một lần khiến anh Cương không có nhiều thời gian về với gia đình của mình và sức khoẻ cũng không cho phép anh thường xuyên làm được điều đó. 21 năm chạy thận, số lần về quê của anh mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mỗi lần về nhà, mấy đứa cháu của anh Cương đều chào đón người chú của mình bằng “thủ tục” rất riêng: chạy ra sờ, nắn, áp tai vào cầu chạy thận và hỏi có tiếng gì đang ù ú thế chú?
Anh Cương cười xoà tự hỏi sao lũ trẻ lại không sợ những u cục và bầm tím? Có lẽ, từ khi chúng sinh ra đã quen với những vết u cục đó như là một phần cơ thể của anh nên có phản ứng như vậy.
Bước vào cuộc chiến chạy thận nhân tạo, anh Trung, anh Cương hay chị Xuyên đều ngơ ngác trước khái niệm cầu tay là gì. Đến bây giờ, sau nhiều năm chạy thận, họ vẫn nhớ khoảnh khắc vào phòng phẫu thuật tạo cầu tay, vẫn còn cảm giác sợ khi nhìn chiếc kim to như ruột bút bi chọc vào thân thể mình.
Phải mất một thời gian, họ mới chấp nhận sự hiện diện của cầu tay, như là con đường sống của những người bệnh chạy thận nhân tạo như họ. Con đường này cho phép máu của họ đi qua để đến được máy chạy thận nhân tạo, làm sạch máu qua quả lọc và tạo thuận lợi cho dòng chảy từ máy lọc máu (đã được lọc sạch) đổ về cơ thể.
Sự phồng, dẹt của từng chiếc cầu tay trên những người chạy thận biến thiên theo số năm chạy thận và còn tuỳ vào sức khoẻ mỗi người. Những nốt u cục cứ thế lớn dần theo chiều dài năm tháng với sắc màu cũng đậm hơn.
Hành trình cánh tay đầy u cục, thâm tím của người chạy thận còn kéo dài, giống như sự chờ đợi lặng câm của họ trong nhiều năm “sống chung với lũ”.
Đang rảo bước đi về phòng trọ của mình, anh Cương gặp bà Lê Thị Dung (sinh năm 1961, quê Nam Định) đi ngược chiều, tay đang xách túi thức ăn. Hai cánh tay u cục, thâm tím có thâm niên chênh nhau 14 năm lướt qua như sự nín thinh của những người cùng cảnh và sự im ắng của xóm chạy thận.