Biết hoàn cảnh của bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở hố ga tại tại Hà Nội, nhiều người liên đã liên hệ qua điện thoại, trang fanpage, trang website của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn bày tỏ muốn nhận nuôi bé.
Theo thông tin từ Bệnh viện Xanh Pôn, hiện nay đang có nhiều người mong muốn nhận nuôi bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở hố ga tại Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Vũ Việt Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, cho biết bệnh viện không thể đáp ứng yêu cầu của họ do không có thẩm quyền giải quyết vấn đề xin con nuôi.
Bé trai sơ sinh bị bỏ rơi 3 ngày ở hố ga tại Sơn Tây, Hà Nội được đặt tên là Nguyễn Văn An. Hiện sức khỏe bé vẫn còn yếu, bé bị nhiễm trùng sơ sinh nặng, đang được điều trị nhiễm trùng và phải thở máy.
Bé cũng đang được chăm sóc da, dùng kháng sinh tổng hợp, phương án điều trị cho bé được các bác sĩ đưa ra là cố gắng kiểm soát nhiễm khuẩn cho bé.
Khi một đứa trẻ bị bỏ rơi thì có thể được nhận nuôi hoặc chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng. Đặc biệt, Điều 7 Luật Nuôi con nuôi khẳng định, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi, khi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi phát hiện trẻ phải có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng.
Khi có người nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND này xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có người nhận thì phải lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.
Như vậy, UBND nơi trẻ em bị bỏ rơi là cơ quan có thẩm quyền xử lý việc nuôi dưỡng, chăm sóc khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi:
- Phải tìm người nuôi dưỡng, chăm sóc tạm thời;
- Xem xét, giải quyết việc cho con nuôi theo quy định;
- Lập hồ sơ đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng nếu không có người nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi.
Thủ tục nhận trẻ em bị bỏ rơi cũng phải đáp ứng các điều kiện về người nhận nuôi và trẻ em được nhận nuôi như trường hợp nhận con nuôi bình thường khác:
Điều kiện của người nhận nuôi: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có tư cách đạo đức tốt… (Điều 14 Luật Nuôi con nuôi);
Điều kiện của trẻ em được nhận nuôi: Trẻ em dưới 16 tuổi, chỉ được nhận làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng… (Điều 8 Luật Nuôi con nuôi).
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Với người nhận con nuôi thì phải chuẩn bị: Đơn xin nhận con nuôi, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, phiếu lý lịch tư pháp…
Với người con nuôi: Ngoài những giấy tờ như giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe, ảnh toàn thân… thì trẻ bị bỏ rơi cần phải có Biên bản xác nhận do UBND hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ lập.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đủ giấy tờ thì nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi.
Bước 3: Xác minh lý lịch, xem xét
Sau khi nhận được hồ sơ, UBND có thẩm quyền sẽ kiểm tra hồ sơ. Khi xét thấy có đủ điều kiện thì UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận và tổ chức giao nhận con nuôi.
Trong quá trình xem xét hồ sơ, nếu trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi ở nước ngoài thì phải có văn bản xác minh và kết luận rõ ràng của Công an cấp tỉnh về nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi, không xác định được cha mẹ đẻ (khoản 1 Điều 16 Nghị định 19/2011/NĐ-CP).
Nếu sau khi xác minh được thông tin về cha, mẹ đẻ thì phải liên hệ với cha mẹ đẻ để lấy ý kiến của họ trước khi xác nhận trẻ có đủ điều kiện làm con nuôi.
Khi từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi và nêu rõ lý do.
Sau khi thực hiện xong việc đăng ký nuôi con nuôi và kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ quyền, nghĩa vụ của cha mẹ với con, giữa con nuôi với các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi…