Nhà tâm lý học tiết lộ 6 thói quen khiến bạn dù hết lòng với mọi người nhưng vẫn cô đơn

Bạn có bao giờ thấy tại sao mình luôn hết lòng với bạn bè nhưng khi cần lại chẳng có ai bên cạnh? Các nhà tâm lý học đã tiết lộ 6 nguyên nhân bạn nên ngưng làm 'người tốt'.

1. Bạn không thể nói "Không"

Khi bạn được bạn bè nhờ giúp đỡ, có thể đó là làm giúp bài tập, mua đồ cho đến "quân sư" tình cảm, bạn thường cảm thấy khó mà nói lời từ chối, dù đang bận bù đầu đi chăng nữa. Bạn thường từ chối một cách ngượng ngập và sau vài câu năn nỉ của bạn bè là lại đành "mua việc vào người", dù biết rõ rằng làm như thế công việc và cuộc sống riêng của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

Dù nghe có vẻ máy móc nhưng hãy tập cách từ chối nhiều hơn. Bạn nên nhớ rằng việc từ chối giúp đỡ khi không có khả năng không biến bạn thành một người bạn tồi tệ, đơn giản chỉ là bạn đã biết chăm sóc mình hơn mà thôi.

Nếu những người mà bạn từng giúp đỡ nhiệt tình quay ra "trở mặt" với bạn chỉ vì bị từ chối vài lần, hãy cân nhắc việc duy trì mối quan hệ với họ. Những người thật sự quan tâm đến bạn sẽ luôn hiểu cho bạn, bởi ai cũng có cả một cuộc sống riêng phải lo toan.

2. Luôn tìm kiếm sự chấp nhận từ người khác

Bạn có thường thấy bối rối, băn khoăn không biết làm thế nào mới đúng, làm thế nào mới không bị mọi người dị nghị? Khi được bạn bè, đồng nghiệp hay sếp khen ngợi, bạn sẽ cảm thấy tự hào. Nhưng ngược lại, khi bị đánh giá không tốt, dù đã cố gắng hết mình nhưng bạn vẫn không ngừng "tổng sỉ vả" bản thân.

Nếu bạn thường trải qua cảm giác trên, điều đó có nghĩa là bạn đang dần đánh mất bản thân mình. Những khái niệm tốt xấu, hay dở của bạn giờ đây đều xoay quanh người khác. 

Bạn có bao giờ tự hỏi rằng liệu làm vậy có khiến người khác yêu quý mình không? Sự thật là những người "ba phải" lại chẳng mấy khi được yêu mến, họ thường bị xem là nhạt nhẽo, không có chính kiến hay thậm chí bị bắt nạt, lợi dụng mà không biết. Thế nên hãy dừng việc quan tâm đến ý kiến của người khác đi thôi!

3. Bạn rất sợ tranh luận

Có một ranh giới mong manh giữa "dĩ hòa vi quý" và nhu nhược. Bạn có bao giờ cảm thấy mình thường né tránh những cuộc tranh cãi ngay cả khi bị ảnh hưởng quyền lợi của bản thân? Có một sự thật rằng nếu bạn không bao giờ bày tỏ quan điểm, bạn sẽ mãi bị xem như "người vô hình" mà thôi.

Những cuộc tranh luận đôi khi lại khiến bạn hiểu đối phương hơn, miễn là bạn luôn giữ mình tôn trọng người kia. Hãy học cách tranh luận lành mạnh, còn hơn là im lặng để rồi "bùng nổ" bất ngờ và làm rạn nứt mối quan hệ.

4. Tự trách mình khi người khác không vui

Rất nhiều người trong số chúng ta thường cố gắng trở thành bạn tốt bằng cách nhận trách nhiệm về cảm xúc của người khác. Bạn thân vừa chia tay người yêu? Bạn thấy cần phải thức đến 2 giờ sáng nghe cô bạn tâm sự dù bản thân cũng đang ốm đến nơi. Cậu bạn cùng nhóm không hoàn thành công việc và bị sếp quở trách, đổ lỗi cho bạn không giúp đỡ cậu ta, bạn liền cảm thấy tội lỗi không nguôi?

Đã đến lúc bạn thôi đổ lỗi cho mình khi những người xung quanh cảm thấy không vui. Bạn có thể quan tâm, giúp đỡ họ, nhưng hãy nhớ mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình. Nếu bạn bè cứ liên tục đổ lỗi cho bạn trong khi bạn chẳng làm gì sai, rất có thể đó chưa phải một người bạn tốt thật sự dành cho bạn.

5. Bạn không có "ranh giới lành mạnh"

Thế nào là "ranh giới lành mạnh"? Đó là việc tự đặt ra các nguyên tắc cho bản thân và không để bị vi phạm dễ dàng. Nếu nguyên tắc của bạn là "ngủ trước 11 giờ tối", đừng thức thâu đêm suốt sáng để giải bài tập hộ đứa bạn chỉ vì nó quên không làm từ trước. Nếu nguyên tắc của bạn là "không mang việc cơ quan về nhà", đừng tự bỏ hết việc riêng tư để hoàn thành một nhiệm vụ bất ngờ được giao lúc 10 giờ tối.

6. Bạn làm những việc không thích chỉ để vui lòng người khác

Sau tất cả, suy cho cùng ai cũng muốn được mọi người quý mến. Tuy nhiên đâu nhất thiết phải hy sinh những nguyện vọng của bản thân mới là cách duy nhất. Bạn có thấy rằng khi ai đó bắt đầu mối quan hệ với bạn, thường là vì họ thấy điều gì đó thú vị ở bạn trước khi bạn đem lại nhiều điều cho họ? Vậy tại sao bạn lại cố gắng thay đổi bản thân khi bắt đầu thân thiết hơn với người khác nhỉ?

Hãy luôn là chính mình, và những người thật sự yêu quý bạn sẽ ở lại bên bạn vì điều đó.

Mai Hoa/giadinhmoi.vn

Tin liên quan