Hàng trăm ngàn người chuyển giới Việt Nam vẫn chờ đợi Bộ Luật chuyển đổi giới tính dành cho chính họ và sống giữa muôn vàn khó khăn về cả vật chất, tinh thần…
Và cả đến khi tìm đến giới tính thật, có khi người chuyển giới còn phải đánh cược cả tính mạng bản thân mình.
Người chuyển giới không thể tiếp cận dịch vụ y tế
Bất cứ một công dân nào cũng có quyền được chăm sóc về sức khoẻ theo đúng nhu cầu bản thân, tuy nhiên, với người chuyển giới, hiện nhiều nhu cầu của họ không được đáp ứng, nhất là khi một số dịch vụ y tế chưa được thành lập chính thức.
Trong Hội thảo quốc gia về cung cấp dịch vụ tâm lý, y tế dành cho người chuyển đổi giới tính diễn ra sáng 27/12, bà Vũ Thị Thanh Nhàn - Trung tâm SCDI chia sẻ, trong quá trình tiến hành khảo sát nhu cầu và thực trạng về cung cấp dịch vụ cho người chuyển giới tại Việt Nam, kết quả cho thấy, phần lớn người chuyển giới đều đã từng sử dụng các dịch vụ y tế như uống hóc môn, phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục… nhưng tất cả đều được thực hiện “trong bóng tối”.
Một phần do rào cản về chính sách, rào cản về kỳ thị nên người chuyển giới gần như không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế công. Vì vậy họ bất chấp rủi ro tính mạng tìm đến những dịch vụ không chính thức, dịch vụ chui hay sử dụng các thông tin không chính thức từ mạng xã hội hoặc các bạn chuyển giới khác.
“Rất nhiều người chuyển giới lựa chọn nước bạn Thái Lan để thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi ngành phẫu thuật chuyển giới không được chính phủ Thái Lan công nhận. Nhiều bạn bay qua, bay lại Thái Lan để phẫu thuật nhưng khi có các vấn đề tai biến, bảo hành lại rất khó xử lý do cách biệt về khoảng cách địa lý.
Hay nhiều bạn chuyển giới thường tự mua hóc môn qua đường xách tay, qua mạng Internet, liều dùng do họ tự ấn định, nếu họ càng khao khát thay đổi, họ càng sử dụng nhiều… Vì không có định hướng của bác sĩ chuyên môn, chất lượng, nguồn gốc hóc môn không đảm bảo nên nhiều bạn đã gặp tai biến không mong muốn, có bạn đã tử vong”, bà Vũ Thị Thanh Nhàn chia sẻ.
Chưa kể, theo bà Vũ Thị Thanh Nhàn, qua kết quả khảo sát, phần lớn những người chuyển giới nằm trong độ tuổi 21 - 30 tuổi, là độ tuổi có nhu cầu làm đẹp và yêu đương mãnh liệt nhưng học vấn và thu nhập của nhóm đối tượng này tương đối thấp. Trong khi đó, hầu hết cách dịch vụ làm đẹp, chuyển đổi giới tính… lại rất cao.
“Với chi phí cho một cuộc phẫu thuật nâng ngực có thể từ 70 -100 triệu đồng và phẫu thuật vùng kín dao động từ 300 triệu - 1 tỉ đồng là con số quá lớn so với thu nhập của phần lớn cộng đồng người chuyển giới. Nhiều người chấp nhận vay lãi và sống cả quãng đời còn lại trong nợ nần chỉ để có cuộc phẫu thuật như mong muốn”, vị đại diện Trung tâm SCDI cho biết.
Bế tắc trong khủng hoảng tâm lý
Bên cạnh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, người chuyển giới gặp nhiều rào cản trong tiếp cận tư vấn tâm lý. Những người chuyển giới thường rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, nhiều người bị trầm cảm, bi quan và có ý định tự tử nhưng không thể tìm được nơi giải thoát, lắng nghe. Điều này xuất phát từ việc hiện có rất ít các trung tâm tư vấn dành cho người chuyển giới.
Ths. Nguyễn Cao Minh, Viện Tâm Lý học cho biết: “Có rất nhiều người chuyển giới gặp các vấn đề về tâm lý trước và sau khi phẫu thuật. Họ bị căng thẳng do giới tính sinh học không trùng khớp với bản sắc giới hoặc họ mong muốn được can thiệp chuyển đổi giới tính.
Ngay sau khi chuyển giới, họ cũng gặp nhiều vấn đề về tâm lý, việc sử dụng hóc môn cũng có thể khiến người chuyển giới chưa kịp thích nghi. Theo nghiên cứu, có từ 1 - 7 % người chuyển giới sau phẫu thuật cảm thấy hối tiếc, rối loạn tâm lý nghiêm trọng và có đến 2% có mong muốn tự tử.
Nhưng khi gặp các vấn đề tâm lý, họ lại không biết tìm ai hoặc ngại không biết tìm ai, kể cả người thân trong nhà. Nhiều gia đình đưa con đến bệnh viện nhưng không phải nghe tư vấn tâm lý mà để bác sĩ cố gắng chữa hết bệnh về giới cho con của họ”.
Chờ đợi từng ngày Luật thông qua
Hiện nay, Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính đã được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp 2013.
Trong quá trình xây dựng dự thảo, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cơ quan phụ trách soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng người chuyển giới Việt Nam và nhiều điểm của dự thảo đã được sửa đổi để đáp ứng quyền của người chuyển giới.
Với cộng đồng người chuyển giới, Luật được thông qua là cánh cửa mở hy vọng để họ đến đúng với giới tính thật của mình. Ngoài ra, họ sẽ được tôn trọng và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu.
Ngay như trong dịch vụ y tế, người chuyển giới sẽ được quyền khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thức tế, được tôn trọng bí mật riêng tư và giảm thiểu tối đa nguy cơ rủi ro…
Ths. Đinh Thị Thu Thuỷ, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay, hóc môn được bán như thuốc kê đơn. Tuy nhiên, do chưa có Luật nên việc bán hóc môn chưa đáp ứng được nhu cầu và người mua chưa được kê đơn nên khó mua. Sau khi Luật được thôn qua, việc mua bán hóc môn sẽ thuận lợi hơn.
Người dùng dễ dàng tìm được nguồn hóc môn có chất lượng, xuất xứ rõ ràng, được khá, tư vấn cẩn trọng và theo dõi sức khoẻ trong suốt quá trình sử dụng, tránh tai biến, sự cố y khoa”.
Tuy nhiên, theo nhiều người chuyển giới, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính mặc dù có nhiều điểm tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế. Một số điểm quan trọng trong dự thảo chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người chuyển giới như điều trị hóc môn trong khoảng 1 năm, đang độc thân…
Họ mong rằng, tất cả những vấn đề trắc trở sẽ được tháo gỡ và khi luật ra đời sẽ bổ sung những xu hướng tiến bộ.