Muốn khỏe thì tiêu hoá phải khỏe, nhưng mọi người đang coi hệ tiêu hoá như 1 cái nhà kho

Đôi khi chúng ta cứ coi hệ tiêu hóa như một cái nhà kho, coi thường sức khỏe của hệ tiêu hóa để rồi bệnh là từ miệng vào.

Sáng 5/5/2022, Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 2022 với chủ đề "Khỏe tiêu hóa - Khỏe hơn mỗi ngày" đã chính thức được phát động bởi Báo Sức khỏe & Đời sống và Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Chương trình có sự đồng hành của Vinamilk và đồng hành truyền thông của Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital).

Đừng coi hệ tiêu hóa như "nhà kho"

Tại buổi họp báo, GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: Đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa được hỗ trợ bởi hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ tác nhân gây bệnh trong thức ăn.

GS Tuyên thông tin: Một người sống trong 70 năm sẽ tiêu thụ tới 144 tấn lương thực, thực phẩm (chưa kể nước uống). 144 tấn lương thực, thực phẩm ấy đều đi qua đường tiêu hóa. 

Trong thức ăn, có khoảng 60 chất hàng ngày chúng ta ăn vào, trong đó có 40 chất cơ thể lấy từ thức ăn qua đường tiêu hóa. Đường tiêu hóa lấy toàn bộ chất dinh dưỡng đi từ bên ngoài vào nuôi sống cơ thể, để tái tạo cơ thể, thay đổi cấu trúc tế bào.

"Đôi khi chúng ta cứ coi hệ tiêu hóa như một cái nhà kho, coi thường sức khỏe của hệ tiêu hóa để rồi bệnh là từ miệng vào. Mỗi người dân hãy chăm sóc tốt hệ tiêu hóa, cũng như đảm bảo dinh dưỡng khoa học, từ đó sống khỏe hơn mỗi ngày".

GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia thông tin tại buổi họp báo.

GS Tuyên nhấn mạnh vai trò của dinh dưỡng là đặc biệt nổi bật: "Nếu coi hệ miễn dịch như một thành trì thì dinh dưỡng chính là nguyên liệu xây nên thành trì đó thông qua các đa chất gồm protein, lipid, carbon hydrat là các viên gạch tạo nên thành phần hệ miễn dịch như kháng thể, cytokine, thụ thể...".

Bên cạnh đó, các vitamin và khoáng chất là những mắt xích mấu chốt và các chất truyền tin giữ cho hàng rào luôn kết nối vững vàng. Hơn nữa, không kém phần quan trọng, dinh dưỡng cũng cung cấp nguồn năng lượng không thể thiếu để hệ miễn dịch vận hành trơn tru, sẵn sàng được kích hoạt một cách hiệu quả khi có tác nhân có hại xâm nhập.

Chương trình hữu ích với đa dạng các hoạt động truyền thông 

Phát biểu khởi động chương trình, ông Trần Tuấn Linh - Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ & Đời sống cho hay: Hệ tiêu hóa khỏe được xem là một trong những tiền đề giúp cơ thể khỏe mạnh bởi sức khỏe hệ tiêu hóa có tác động trực tiếp đến sức khỏe toàn diện của cơ thể. Chăm sóc sức khỏe cho hệ tiêu hóa cũng chính là chăm sóc sức khỏe cho cơ thể.

Ông Trần Tuấn Linh - Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ & Đời sống phát động chương trình.

Từ năm 2004, Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 29/5 bởi Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) phối hợp với Quỹ WGO (WGOF), nhằm nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, cũng như cách phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh và/ hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Năm nay, Báo Sức khoẻ Đời sống cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát động Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới với thông điệp "Khỏe tiêu hóa - Khỏe hơn mỗi ngày".

Chương trình sẽ được tổ chức thường niên vào tháng 5, đem đến cho người dân và cộng đồng những thông tin hữu ích, các giải pháp dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, giúp xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, từ đó nâng cao sức khỏe miễn dịch cũng như sức khỏe tổng thể, giúp cơ thể tối ưu hóa việc phòng tránh bệnh tật.

Báo Sức khỏe & Đời sống và Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Chương trình có sự đồng hành của Vinamilk và đồng hành truyền thông của Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital).

Đồng hành cùng Chiến dịch này, đại diện công ty Vinamilk đánh giá cao ý nghĩa và tính thiết thực của chương trình. "Chúng tôi tin rằng với sự phục hồi của đất nước sau đại dịch COVID-19, chương trình sẽ giúp nâng cao nhận thức và chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho người Việt Nam, đặc biệt cho việc chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, giúp các thế hệ người Việt luôn khỏe mạnh, để tiếp tục học tập và làm việc, thực hiện được các mục tiêu cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước". 

Các hoạt động trong khuôn khổ chương trình này sẽ được đầu tư thực hiện vừa mang tính khoa học vừa có sự gần gũi, tương tác cao như: Tọa đàm khoa học trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng và tiêu hóa trong và ngoài nước, loạt bài viết khoa học chuyên đề về chăm sóc sức khỏe hệ tiêu hóa với nhiều hình thức thể hiện sinh động, mới mẻ...

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan