Tết ông Công ông Táo nhà nhà chuẩn bị cá chép để giúp mâm cúng đủ đầy. Dưới đây là cách chọn cá chép cúng Tết ông Công ông Táo cực chuẩn mà không phải ai cũng biết.
Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người Việt có tục cúng cá chép để tiến ông Công ông Táo về chầu trời. Mặc dù là phong tục từ bao đời thế nhưng làm thế nào để chọn được cá chép cúng ông Công ông Táo chuẩn nhất thì không phải ai cũng biết.
Dưới đây là một số mẹo chọn cá chép cúng Tết ông Công ông Táo cực chuẩn mà gia chủ nào cũng nên nắm chắc.
Mẹo chọn cá chép cúng Tết ông Công ông Táo
Trong mâm cúng Tết ông Công ông Táo, ngoài mâm cúng mặn thì còn có vàng mã và cá chép. Để chọn cá chép cúng Táo quân, người ta thường chọn những con khỏe mạnh, bơi nhanh và không tróc vẩy.
Khi mua cá, bạn nên lật nhẹ phần mang cá để kiểm tra nhé. Nếu thấy mang cá đỏ tươi thì có nghĩa cá vẫn khỏe mạnh và có thể chọn để lên mâm cúng.
Lưu ý, bạn nên chọn 3 chú cá chép đỏ nhé. Trường hợp đã có cá chép giấy thì không cần mua cá sống và ngược lại nếu có cá chép sống thì bạn không cần phải mua cá chép giấy nữa.
Theo quan niệm dân gian, cá chép cúng ông Công ông Táo nên thả trước giờ Ngọ (tức 12 giờ trưa ngày 23/12) để các Táo quân kịp về chầu trời.
Rất nhiều người đi thả cá sau khi cúng Táo quân mà không kiểm tra trước xem đó có phải là môi trường thích hợp để cá sống hay không. Theo người xưa, nên thả cá ra các ao hồ rộng lớn và thoải mái.
Việc thả cá chép ngoài mang ý nghĩa tâm linh thì cần chú ý tới mục đích tái tạo nguồn lợi để bảo vệ cảnh quan, môi trường. Thực tế có nhiều gia đình đem đổ cá, ném cá hay thậm chí là quăng cả túi ni lông có chứa cá xuống ao hồ, như vậy là hoàn toàn không nên.
Bạn nên thả cá nhẹ nhàng, từ từ. Một số người còn thắp hương cầu khấn rồi mới từ từ thả cá chép xuống nước, có như thế mới mong tìm được sự bình an trong tâm và giúp bảo vệ môi trường.
Chú ý, khi đi thả cá bạn cần giữa thái độ vui vẻ, thoái mái. Sau khi thả, nên để ý xem cá đã bơi đi chưa tránh tình trạng cá bị mắc kẹt ở gần đó nhé.