Thấy trẻ bị ho dai dẳng về đêm, cha mẹ cứ nghĩ rằng con mình bị bệnh về đường hô hấp nên thăm khám rồi cho uống đủ loại thuốc mà mãi không khỏi. Song đến khi bác sĩ nội khoa khám mới “té ngửa” sự thật về bệnh
Chị Nguyễn Thị Mai (28 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, vừa mới đưa cậu con trai 5 tuổi đi khám bệnh về đường hô hấp thì bất ngờ phát hiện con có biểu hiện bệnh lý của đường hô hấp bắt nguồn từ ở dạ dày, thực quản chứ không phải có vấn đề ở mũi họng.
Trước đó con trai chị Mai xuất hiện những cơn ho kéo dài, nhất là về đêm và ho nhiều làm cậu bé bị khàn giọng, mất tiếng. Cứ nghĩ thời tiết chuyển lạnh nên con bị ho, kèm theo trẻ hiếu động hò hét nhiều sinh ra mất tiếng nên chị Mai chỉ ra hiệu thuốc mua thuốc cho con uống.
“Nhưng uống thuốc cả tuần lễ mà tình trạng ho của con mãi không giảm, thậm chí cháu còn khàn giọng, không nói được vì mất tiếng, thậm chí trong lúc ăn con bị ho làm nôn hết đồ ăn ra ngoài. Thấy tình trạng sức khỏe của con xấu đi nên vợ chồng tôi đưa con đi thăm khám và bất ngờ biết được căn nguyên thực sự của bệnh lại chính do tình trạng trào ngược dạ dày, thực quản làm con hay bị nôn trớ, bị viêm họng, ho kéo dài và mất tiếng…” – chị Mai chia sẻ.
PGS.BS. Nguyễn Duy Thắng, Chuyên khoa Nội – Tiêu hóa, Bệnh viện ĐK Nông Nghiệp chia sẻ, thực tế khám chữa bệnh bác sĩ Thắng cũng đã từng gặp nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp nhưng không tìm được nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh dù đã đi khám nhiều lần, thậm chí phải dùng rất nhiều thuốc kháng sinh khác nhau.
Có người chữa mãi viêm họng, viêm thanh quản mãi không đỡ mà không ngờ nguyên nhân lại bắt nguồn từ trào ngược dạ dày, thực quản.
“Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có những triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp như ho dai dẳng kéo dài, viêm họng, mất tiếng, khàn tiếng…
Viêm họng do trào ngược chỉ có thể nhận biết nhờ các triệu chứng đi kèm như cồn cào ruột gan, nóng rát ở ngực, ăn không tiêu, đầy hơi, nấc liên tục, ợ chua, buồn nôn…
Nhưng cũng có trường hợp không hề có biểu hiện trào ngược hoặc đôi khi chỉ cảm thấy nghẹn, vướng ở cổ họng, đau tức ngực hoặc dễ bị khàn giọng khi nói to, nói nhiều.
Đó cũng là lý do mà nhiều bệnh nhi bị chẩn đoán nhầm bệnh do các cháu còn nhỏ nên chưa biết mô tả chi tiết hoặc cha mẹ không quan sát được kỹ các biểu hiện đi kèm nên dẫn đến việc chẩn đoán bệnh không chính xác và điều trị không hiệu quả” – BS Thắng nhấn mạnh.
PGS.BS. Nguyễn Duy Thắng cũng chia sẻ thêm, bệnh trào ngược dạ dày, thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên các chất dịch từ dạ dày lên thực quản.
Tình trạng này kéo dài sẽ gây kích ứng niêm mạc thực quản, gây viêm. Và đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm họng, viêm thanh quản, khàn tiếng, mất tiếng…
Ở trẻ nhỏ, tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh - trẻ em diễn ra rất phổ biến. Nếu là hiện tượng sinh lý là điều bình thường, khi lớn lên trẻ sẽ hết. Nhưng nếu là hiện tượng bệnh lý thì cần phải được điều trị sớm không sẽ biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng chính để nhận biết trẻ vị trào ngược dạ dày là nôn chớ, trẻ nôn dễ dàng, tăng sau khi ăn. Trẻ bị trào ngược dạ dày còn thường có biểu hiện khò khè, viêm phổi tái phát, giãn phế quản, viêm xoang, viêm tai, mòn răng, thiếu máu, suy dinh dưỡng, chậm tăng cân…
Khi trẻ có triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, cha mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để điều trị sớm phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cũng cần chia nhỏ bữa ăn của trẻ thành nhiều bữa, cố gắng không để trẻ ăn quá no khiến dạ dày bị căng dẫn đến dễ trào ngược.
Hơn nữa, khi trẻ ăn xong không nên cho trẻ nằm xuống ngay, không nên cho trẻ ăn món ăn có nhiều dầu mỡ vào buổi tối và trước khi đi ngủ nên cho trẻ uống vài ngụm nước ấm để giúp thông thoáng cổ họng, giảm ho và giảm cảm giác vướng ở cổ họng.
Ly Linh/GIADINHMOI.VN