Một lý thuyết đã tồn tại từ lâu rằng: Mẹ bị căng thẳng trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Gần đây các nhà khoa học Anh đã tìm được căn cứ chứng minh điều này và mở ra những phát hiện bất ngờ về quá trình phát triển não của thai nhi.
Các nhà khoa học lần đầu tiên tìm thấy bằng chứng chỉ ra tình trạng căng thẳng của mẹ trong suốt thai kỳ có thể thay đổi sự liên kết trong não của thai nhi.
Một kỹ thuật mới phát triển về scan não cho phép nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Wayne State (Anh) tiến hành khảo sát hoạt động thần kinh của 47 thai nhi, với tuổi thai từ 30 – 37 tuần.
Kết quả cho thấy: thai nhi mà mẹ ở tình trạng căng thẳng cao độ sẽ phát triển não khác biệt so với thai nhi mà mẹ không bị stress, lo lắng hoặc trầm cảm. Sự khác biệt thể hiện rõ nhất ở khu vực não phản ứng với căng thẳng của trẻ.
Đây là một phát hiện mang tính đột phá trong lĩnh vực khoa học thần kinh, khẳng định một học thuyết tồn tại lâu nay: tâm trạng của mẹ khi mang bầu có ảnh hưởng đến trí não của con.
Giả thuyết này trước đây không thể được chứng minh hoặc phủ nhận vì các kỹ thuật scan chưa thể chụp não của thai nhi một cách rõ ràng. Thai nhi ở trong bụng mẹ liên tục chuyển động nên việc chụp scan não không đơn giản.
“Điều quan trọng chính là chúng tôi đã chứng minh một giả thuyết lâu nay, nhưng chưa được quan sát cụ thể. Đó là: sự căng thẳng của người mẹ trong suốt thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến đặc tính kết nối trong não bộ của con họ” - Moriah Thomason, người đứng đầu nghiên cứu, phát biểu về kết quả công trình tại Đại hội hàng năm của Hiệp hội Thần kinh học Nhận thức (Anh).
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra một vấn đề mới: có thể não bộ thai nhi không phát triển theo trình tự mà giới khoa học trước đây giả định.
Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng não thai nhi sẽ hình thành các chức năng đơn giản nhất như tầm nhìn, cân bằng vận động. Sau đó, não trẻ mới phát triển các hệ thống phức tạp như phản ứng căng thẳng.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Thomason cho thấy: ngay từ các tuần thai sớm, vùng phản ứng với căng thẳng của thai nhi đã hình thành.
Cần đánh giá đúng tính chất “dễ tổn thương” của bà bầu
Tất cả các bà mẹ tham gia vào nghiên cứu đến từ những khu vực nghèo khổ ở thành thị. Họ phải đối mặt với cuộc sống đầy căng thẳng, nhiều người thậm chí có dấu hiệu trầm cảm, thường xuyên lo lắng cho bản thân và người thân.
Trên hết, Moriah Thomason nói, những bà mẹ này muốn tham gia nghiên cứu để giúp những người ở trong hoàn cảnh giống họ.
Bà Moriah Thomason giải thích: "Rất nhiều bà mẹ quan tâm đến việc trở thành một phần của nghiên cứu này, không phải vì mối quan tâm của họ trong thời kỳ mang thai, mà bởi vì họ đánh giá cao tính dễ bị tổn thương khi sinh con, và đây là cơ hội để giúp đỡ những người phụ nữ khác có thể cũng khó khăn giống họ”.
"Đã từ lâu người ta nghĩ rằng căng thẳng của mẹ trong lúc mang thai sẽ ảnh hưởng đến não bộ của con. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rất ít về các nơron thần kinh hoạt động như thế nào, sự liên quan của nó đối với sức khoẻ và phát triển của trẻ trong tương lai" – Bà Moriah Thomason nói thêm.
Tác giả của nghiên cứu cho biết: "Chúng ta cần phải xem xét não trẻ phát triển trong bối cảnh nào, suy nghĩ về vai trò của môi trường trong việc định hình não. Đó là một chủ đề truyền cảm hứng cho chúng ta thúc đẩy sự phát triển trí não khỏe mạnh, thực hiện những điều cần cho trẻ - như lối sống, cơ hội, điều kiện học tập”.