Trong một báo cáo điều tra về người độc thân tại Trung Quốc gần đây, trong hơn 1,3 tỉ người Trung Quốc có gần 200 triệu người độc thân. Tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng và dự tính khoảng 40 triệu đàn ông không tìm được vợ.
Theo chuyên gia phát triển dân số Trung Quốc, quan niệm trọng nam khinh nữ và sự phát triển của công nghệ xét nghiệm giới tính thai nhi đã khiến giới tính nam ở đất nước này ngày càng nhiều.
Chính sách một con của Trung Quốc cũng góp phần khiến tình trạng chọn lựa giới tính thai nhi và hiện tượng phá thai ngày càng nghiêm trọng.
Trong suy nghĩ của người dân Trung Quốc, cả đời chỉ có cơ hội sinh con một lần, nên họ đều muốn có con trai.
Từ năm 1990 đến năm 2012, ở Trung Quốc có 21 triệu ca phá thai vì giới tính thai nhi là nữ. Chỉ trong năm 2010, tại Trung Quốc đã có 636 ca phá thai.
Tình trạng này dẫn đến hậu quả là khoảng 40 triệu đàn ông Trung Quốc không thể tìm được vợ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định xã hội.
Đồng thời, yêu cầu về điều kiện kinh tế của phụ nữ lại ngày càng cao. Trong đó, phụ nữ Thâm Quyến yêu cầu thu nhập hàng tháng của đàn ông phải đạt 15,920 nhân dân tệ (khoảng 54 triệu VNĐ), ở Bắc Kinh là 14,900 nhân dân tệ (khoảng 50 triệu VNĐ), Thượng Hải là 12,065 nhân dân tệ (khoảng 41 triệu VNĐ).
Điều này càng gây báo động hơn nữa về hiện trạng 'khó tìm vợ' của đàn ông Trung Quốc.
Chính sách một con không chỉ gây mất cân bằng giới tính, mà còn khiến tỉ lệ sinh ở đất nước này giảm mạnh, lực lượng lao động cũng theo đó giảm đi ngày càng nhiều.
Cơ cấu dân số thay đổi khiến dân số bị già hóa, làm tăng chi phí bảo hiểm y tế, tăng thêm gánh nặng lên lực lượng lao động của quốc gia này.
Mất cân bằng giới tính góp phần khiến cho tỉ lệ tội phạm ở Trung Quốc tăng chóng mặt, trong đó các tội phạm về tình dục và phụ nữ tăng đáng kể như bắt cóc cô dâu, buôn bán phụ nữ, hãm hiếp, mại dâm...
Không chỉ vậy, Trung Quốc còn là nước có tỉ lệ phụ nữ tự sát cao nhất thế giới. Theo báo cáo của Quốc vụ viện Mỹ, mỗi ngày ở Trung Quốc có khoảng 590 phụ nữ tự sát.
Xã hội 'nhiều nam ít nữ', số lượng phụ nữ giảm dẫn đến giảm sức sinh sản và khiến dân số bị thu hẹp lại.
Do sự mất cân bằng giới tính, tỉ lệ sinh giảm, cơ cấu dân số già hóa, lực lượng lao động giảm... khiến Trung Quốc đưa ra chính sách sinh 2 con.
Chính sách này tuy không ảnh hưởng quá nhiều đến việc điều chỉnh lại chênh lệch giới tính, nhưng cũng góp phần giảm bớt chênh lệch và tăng tỉ lệ giới tính nữ.
Việc thực hiện chính sách này là một quá trình lâu dài, chưa kể đến nhiều gia đình vì lý do điều kiện kinh tế, y tế, giáo dục... không có nguyện vọng sinh thêm con, cộng thêm tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại gây nhiều cản trở cho tỉ lệ nam nữ cân bằng trở lại.
Như vậy, trong vài chục năm tới, ở Trung Quốc vẫn sẽ còn tồn tại nhiều tình trạng 'ế vợ' cho đến khi tỉ lệ nam nữ lấy lại trạng thái cân bằng.