Tôi có một mẹ chồng hay bắt tôi soi xem răng có dính rau không, chẳng may có hôm không phát hiện ra, tôi bị ăn mắng vô-tích-sự...
Một ngày 30 Tết của gia đình cô Chung bắt đầu bằng cách hai mẹ con hoàn thành phần việc cuối cùng để đón giao thừa trọn vẹn và có một cái Tết ấm áp. Hai mẹ con xưng hô “mẹ” – “em” ngọt ngào khiến ngày cuối năm trở nên rộn ràng và vui tươi hơn.
Cô Chung và Ngọc Anh thấy lòng mình yên ổn nhất là khoảnh khắc nhìn lên bàn thờ đã đủ đầy lễ với hoa, quả, trầm hương, đĩa bánh khảo truyền thống, bánh chưng…
Đây là cái Tết thứ 6 chị Ngọc Anh về làm dâu cô Chung. Đó không phải là quãng thời gian dài so với một đời người phụ nữ nhưng lại là khoảng thời gian vừa đủ để mở ra và thúc đẩy mối quan hệ xưa nay được xem là khó hoà hợp trở nên tốt đẹp hơn.
“Tôi mừng khi thấy Ngọc Anh ít tuổi nhưng đã gánh vác được công việc gia đình. Vài năm trở lại đây, mỗi lần lễ, Tết, tôi đều yên tâm vì đã có con phụ giúp”, cô Chung chia sẻ.
30 Tết năm nào, cô Chung cũng là người cuối cùng “duyệt” bàn thờ tổ tiên. Có lần cô giao nhiệm vụ cho Ngọc Anh và thử thách con xử lý như thế nào với suy nghĩ “Chắc không bao giờ con làm được” nhưng khi về nhà, cô Chung không ngờ con dâu lại chu đáo như vậy.
“Vì tôi quý và thương mẹ nên việc gì tôi cũng muốn gánh vác thay cho mẹ”, Ngọc Anh thổ lộ.
Nhớ lại Tết đầu tiên về làm dâu, Ngọc Anh tâm sự, Tết đầu tiên về nhà chồng, tôi lóng ngóng vì chưa hiểu rõ nhịp sống của gia đình chồng trong ngày Tết. Ngày đó, tôi không biết luộc gà, không biết cắm hoa và bày bàn thờ chưa đúng…
Sau đó, nhờ sự hướng dẫn chỉ bảo của mẹ, những Tết sau, tôi đã hoàn thiện hơn và dần tự mình chuẩn bị được những điều cần thiết cho Tết.
Tôi còn nhớ mãi ước mong của mình: “Tết đầu ở nhà chồng, mong mọi việc thật suôn sẻ, nhẹ nhàng”.
Tôi chưa bao giờ bị rơi vào trạng thái đơn độc trong những ngày Tết, đặc biệt là khâu chuẩn bị cho Tết. Mẹ luôn chia sẻ công việc với tôi. Hai mẹ con vừa làm vừa nói chuyện với nhau rất vui vẻ”.
Trước đây, khi chưa lấy chồng, mỗi dịp Tết đến, Ngọc Anh chỉ phải giúp mẹ vài việc vặt trong gia đình. Nhưng từ khi lấy chồng, chị Ngọc Anh cảm nhận rõ, Tết không phải là ngày sống cho riêng mình nữa là sống nhiều hơn cho những người khác, đặc biệt là những người thân trong gia đình.
Tết trong lòng người mẹ của hai con nhỏ là cho Ngọc Anh cảm giác mình là người tạo ra Tết cho con mình và những người trong gia đình. Tết của Ngọc Anh bây giờ gắn với trách nhiệm lớn hơn, nhưng khi hoàn thành được những phần việc đó, Ngọc Anh thấy mình hạnh phúc.
Tết năm nào, cả gia đình cô Chung cũng ra vườn chụp bức ảnh kỉ niệm. Với Ngọc Anh và cô Chung, đó là “mùi của mùa xuân”.
Dưới đây là thước phim đời thực “Sống chung với mẹ chồng” của chị Ngọc Anh với biệt danh Na:
Tôi có một mẹ chồng hay mắng, hay quát rồi lại bảo là: “Yêu mẹ mới quát...”
Tôi có một mẹ chồng nói dối! Buổi sáng mẹ đun nồi cháo chim, mẹ bắt bố và tôi ăn. Tôi hỏi mẹ ăn chưa, mẹ bảo mẹ ăn rồi. Lúc tôi rửa bát, chỉ thấy có mỗi đôi đũa. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ ăn cháo bằng đũa à?” Mắt tôi rưng rưng!
Tôi có một mẹ chồng, tắm cho lúc đẻ hai đứa con Bi và Pu, mẹ bảo mẹ tắm cho nhanh và vẫn sạch!
Tôi có một mẹ chồng đi đâu cũng gọi tôi là con gái. Để rồi có người hỏi chồng tôi, anh bảo: “Cháu là con rể nhưng ở nhà bố mẹ vợ thì cháu là con đẻ”!
Tôi có một mẹ chồng rất hay ép ăn. Nên đến giờ tôi vẫn là người ăn sau cùng cả nhà. Trước khi ăn, tôi còn mặc cả “Mẹ nhớ một cái váy đó nha!”
Tôi có một mẹ chồng thi thoảng lại ôm một cái.
Tôi có một mẹ chồng hay bắt tôi soi xem răng có dính rau không, chẳng may có hôm không phát hiện ra, tôi bị ăn mắng vô-tích-sự.
Tôi có một mẹ chồng mà tôi toàn gọi mẹ xưng em.
Tôi có một mẹ chồng mà tôi được tha hồ lục tủ mặc ké đồ của mẹ.
Tôi có một mẹ chồng dạy Na cách lớn hơn cách sống cao thượng hơn.
Hồi xưa nghĩ mọi chuyện đơn giản, về với mẹ còn thấy mọi chuyện đơn giản hơn. Lúc khó, mẹ bảo đấy là số rồi. Lúc mệt mỏi, mẹ bảo mẹ biết sẽ ổn mà. Lúc chênh vênh nhất mẹ dạy, cuộc sống muốn khóc phải cười muốn cười phải khóc. Lúc buồn nhất mẹ bảo: Nào có ai sướng hết đâu con.
Tôi có một mẹ chồng là mẹ đẻ thứ hai, là một người bạn lớn thực sự rất lớn. Để ngoài kia có bão, tôi vẫn còn nơi nương náu được, thấy yên và an!
Câu chuyện “Sống chung với mẹ chồng” của chị khiến nhiều chị em ước ao. Trước khi kết hôn, chị có nghĩ mẹ chồng của mình sẽ tuyệt vời theo cách chị cảm nhận như vậy không?
Na: Ngay từ khi yêu con trai mẹ, mẹ đã cho tôi cảm giác được bà quý mến và yêu thương. Khi đó tôi mới 21 tuổi và chỉ là một cô gái vụng về.
Cũng như nhiều cô gái khác lần đầu tiên về ra mắt bố mẹ chồng, tôi áp lực và lo lắng không biết bố mẹ anh ấy sẽ có cảm nhận gì về mình. Tôi nhủ thầm, sẽ cố gắng bằng sự ngoan ngoãn của mình để bố mẹ và mọi người trong gia đình quý mến tôi.
Thế còn cô Chung, cô mong chờ một người con dâu của mình như thế nào?
Cô Chung: Tôi là mẹ của ba cậu con trai nên chỉ được làm mẹ chồng. Tôi và bố mẹ Ngọc Anh quen biết từ trước. Trong một lần gặp gỡ, tôi ấn tượng với Ngọc Anh và bảo cậu con trai thứ hai “Con cưa con bé kia đi”. Thế là, bỗng dưng tôi được nàng dâu Ngọc Anh. (cười)
Thời điểm nào chị Ngọc Anh thấy bản thân mình khó khăn nhất và nhờ sự giúp đỡ của mẹ mà chị vượt qua được?
Na: Trong 2 năm đầu sau khi kết hôn, tôi sống đúng như một người nội trợ đơn thuần trong gia đình. Có những người phụ nữ có sự đồng hành của chồng nhưng chồng tôi lại không giúp đỡ được tôi nhiều. Anh ấy từ-chối-trưởng-thành.
Trong thời gian đó, công việc hằng ngày của tôi chỉ là trông con, nấu nướng và đợi những người trong gia đình về. Đã có những lúc tưởng chừng mình rơi vào trạng thái trầm cảm.
Mẹ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong khoảng thời gian khó khăn đó. Mỗi ngày khi trở về nhà, mẹ đều đến bên vỗ về và an ủi tôi. Mẹ kể cho tôi nghe về một ngày của bà làm những gì và ngược lại, tôi tâm sự với mẹ suy nghĩ của tôi.
Tối đến, hai mẹ con ngủ với nhau, mẹ tâm sự, mẹ có quý thì mẹ mới nói, con còn thiết sót nhiều, còn phải học hỏi nhiều… khiến tôi rất xúc động.
Sự từ chối trưởng thành của chồng như chị Ngọc Anh nói đã ảnh hưởng tới mối quan hệ của hai người như thế nào?
Na: Tôi nhận ra, quyết định kết hôn với một người nào đó là khi mình yêu người đó thật lòng. Nhưng khi hai người về chung sống với nhau thì mới biết có những điều chúng tôi không hoàn toàn hợp nhau.
Chúng tôi biết những mâu thuẫn còn tồn tại nhưng chúng tôi chấp nhận điều đó và tìm cách giải quyết để bước tiếp cùng nhau. Đó mới là điều khó của cuộc hôn nhân.
Chứng kiến con dâu của mình như vậy, cô Chung đã làm gì để giúp con?
Cô Chung: Tôi nói với con: “Con phải tự nâng niu cảm xúc của mình. Có những người đàn ông không thể đem lại cho mình những điều mình mong muốn thì mình phải tự trân trọng bản thân mình”. Cách tôi trò chuyện hằng ngày với con cũng là để giúp con vơi đi nỗi buồn chán, mệt mỏi trong cuộc sống.
Một ngày, tôi bảo với Ngọc Anh, đã đến lúc con phải bước ra ngoài xã hội, đi làm để thể hiện bản thân và tăng vốn sống.
Chị Ngọc Anh đã suy nghĩ như thế nào trước lời khuyên chị nên ra ngoài xã hội?
Na: Tôi biết không ít người phụ nữ lựa chọn cuộc sống nội trợ và hài lòng với điều đó. Còn tôi, tôi vừa yêu cuộc sống của mình lúc đó lại vừa muốn thay đổi để khác đi. Tôi đã nghe theo lời khuyên và trở thành trợ lý của mẹ.
Định kiến “con ông cháu cha” có khiến cô Chung phải cố gắng giữ sự công bằng, thậm chí nghiêm khắc khi làm sếp của con dâu?
Cô Chung: Ngọc Anh là cánh tay phải của tôi trong công việc ở công ty. Ở công ty, dù là con dâu nhưng tôi vẫn thẳng tay phạt nếu làm sai và khen thưởng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cho dù hoà hợp đến đâu nhưng cũng không thể tránh khỏi những xích mích trong cuộc sống mẹ chồng nàng dâu. Chị và cô Chung đã giải quyết những mâu thuẫn đó như thế nào?
Cô Chung: Tôi biết có những lúc mắng Ngọc Anh, con cũng lên tiếng thanh minh. Lúc đó tôi không tiếp tục nói con nữa mà để con tự suy nghĩ về những việc mình đã làm rồi khi nào hai mẹ con vui vẻ với nhau, tôi mới phân tích để con hiểu. Tôi suy nghĩ, con cái cũng như mình thôi, cũng có những lúc sai sót nên tôi chẳng bao giờ để bụng điều gì.
Nếu xét tiêu cực thì con đang cãi mình nhưng nghĩ một cách tích cực ra thì con đang giải thích, tính con như vậy mình hiểu. Nếu con sợ mà không lên tiếng thì tôi chủ động hỏi han con trước. Tôi lo con suy nghĩ ủ ê khiến sức khoẻ giảm sút, lại đến tay tôi chăm.
Na: Có những lúc tôi giận mẹ, tôi chạy vào khóc trong nhà tắm, mẹ kiên nhẫn đợi tôi ở ngoài, cười với tôi một tiếng, bao nhiêu giận dỗi tan biến hết.
Người ta thường nói, để dung hoà mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu thì vai trò của người chồng, người con trai rất quan trọng. Không biết với sự hoà hợp mà Ngọc Anh và cô Chung đã có thì người đàn ông trong gia đình có vai trò như thế nào?
Cô Chung: Nhiều lúc tôi phải bày trò quát mắng Ngọc Anh trước mặt chồng nó để chồng nó biết tôi cũng là mẹ chồng nghiêm khắc chứ không yêu thương gì con dâu đâu. Khi vợ chồng chúng nó cãi nhau, tôi chỉ lo hai đứa bỏ nhau, Ngọc Anh không coi tôi là mẹ nữa.
Na: Tôi và mẹ chồng là một liên minh vững chắc trong gia đình. Trong gia đình tôi, mẹ chính là người cân bằng tất cả các mối quan hệ.
Thi thoảng, tôi hớt tóc lên, chồng tôi bất ngờ “Ôi giống mẹ quá” khiến tôi hạnh phúc vì thấy mình đẹp giống mẹ và chồng mình nhận ra điều đó. Tôi nhận ra, bản thân mình yêu ai đó là khi mình nhìn thấy vẻ đẹp của họ và ngưỡng mộ họ. Đó cũng là bí quyết giúp tôi giữ cuộc hôn nhân của mình được bền chắc.
Cô và chị có thể chia sẻ những khoảnh khắc vui của hai mẹ con?
Na: Lúc tôi giận mẹ điều gì, thi thoảng hai mẹ con đùa nhau: “Mẹ mắng con là con đánh Pu đấy…” - “Tôi xin lỗi”. Hai mẹ con tôi hay làm trò với nhau, gọi nhau bằng những biệt hiệu rất yêu “Con chíp hôi ơi ra đây mẹ bảo…” Thậm chí hai mẹ con còn tắm chung với nhau.
Thế còn những khoảng lặng trong cuộc sống của hai mẹ con thì sao?
Cô Chung: Có những lúc hai mẹ con nắm tay bảo nhau phải cố gắng. Nhiều lúc công việc khiến tôi mệt mỏi và áp lực, tôi buồn nhưng có sự động viên của con, tôi lại phấn chấn trở lại.
Chị Ngọc Anh đã học được điều gì từ mẹ chồng của mình?
Na: Tôi nhìn thấy sự cố gắng không ngừng nghỉ của mẹ trong từng việc mẹ làm cho dù có chông gai, thử thách mẹ như thế nào.
Lòng vị tha và sự bao dung của mẹ là điều tôi cần học ở mẹ mỗi ngày. Mẹ dạy tôi, để giữ được hôn nhân bền chặt, mỗi người cần phải biết đặt mình vào vị trí của người khác.
6 năm chung sống, chị và cô cảm nhận được điều gì rõ nhất trong mối quan hệ này?
Cô Chung: Ngọc Anh giúp tôi nhiều trong công việc động viên sớm tối với nhau, chia sẻ buồn vui như hai người bạn. Tuy Ngọc Anh ít tuổi nhưng có ý thức, ngoan ngoãn và biết phấn đấu.
Tôi bỗng dưng được đứa con như vậy thì phải quý mến nó chứ, người ngoài tôi còn thương yêu được nữa là con dâu trong gia đình. Tôi quan niệm, một ngày làm dâu suốt đời làm con.
Na: Người ta vẫn nói: “Lấy chồng là duyên số nhưng mẹ chồng là phúc phận”. Nếu cuộc sống của tôi có bão tố ập đến thì tôi vẫn tự tin đứng lên được vì có mẹ đồng hành. Tôi luôn coi mẹ như mẹ đẻ của mình nên chưa bao giờ có tiếng “mẹ chồng” mà chỉ đơn thuần một chữ “mẹ”.
Nếu không có mẹ, có lẽ tôi sẽ không bao giờ được như bây giờ. Tôi biết cách sống hơn, biết vượt khó và suy nghĩ tích cực nhất có thể. Tôi biết yêu thương bản thân mình hơn. Tôi biết ơn mẹ vô cùng!