Lời khuyên của chuyên gia cho một thai kỳ khỏe mạnh

Chăm sóc thai kỳ là một quá trình quan trọng giúp đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé trước khi chào đời. Là trách nhiệm nhưng cũng là một trải nghiệm tuyệt vời cho các cặp vợ chồng, hãy chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn này với một số lưu ý từ bác sĩ Trần Thị Minh Tâm, nguyên Trưởng khoa Chăm Sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chuyên gia của Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt”.

Các cặp vợ chồng nên chuẩn bị kỹ càng cho việc mang thai

Chuẩn bị trước khi mang thai

Tiêm phòng trước khi mang thai là điều đầu tiên cần chuẩn bị khi các cặp vợ chồng đang có kế hoạch chào đón thêm thành viên nhỏ trong nhà. Các mũi tiêm phòng cần thiết bao gồm: viêm gan B, cúm, thủy đậu, bạch cầu, ho gà, uốn ván, sởi, quai bị và rubella (phòng dị tật bẩm sinh).

Đối với các chị em mang thai lần đầu cần lưu ý tiêm hai mũi phòng uốn ván: Mũi hai cách mũi một tối thiểu 1 tháng và phải tiêm trước khi sinh tối thiểu 20 ngày, những lần mang thai sau, mẹ bầu chỉ cần tiêm 1 mũi phòng uốn ván.

Ngoài việc cung cấp những dưỡng chất đầy đủ cho cơ thể, các chị em cũng cần duy trì chỉ số BMI phù hợp với cơ thể, cũng như thăm khám thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm các bệnh phụ khoa thường gặp.

Để đảm bảo sức khỏe sinh sản ổn định, theo bác sỹ Tâm, các chị em cũng nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung, khám phụ khoa định kỳ 3-6 tháng một lần và đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Việc thăm khám thường xuyên là điều cần thiết trong suốt thai kỳ

Lưu ý khi mang thai 3 tháng đầu

Tam cá nguyệt thứ nhất (ba tháng đầu) được tính từ ngày có kinh đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng đến khi thai được 12 tuần tuổi.

Trong bất kỳ giai đoạn nào, việc khám thai thường xuyên cần được thực hiện để bố mẹ nhận biết sự phát triển của thai nhi, nhận những tư vấn cần thiết về dinh dưỡng và sức khỏe. Đặc biệt, việc khám thai giúp phòng, chống, hạn chế mức thấp nhất tai biến với mẹ và con.

Bố mẹ nên chủ động theo dõi sức khỏe thai nhi, và lưu ý những trường hợp sau đây, nếu xuất hiện, cần đi khám: Chậm kinh sau 2 tuần siêu âm không thấy túi thai trong buồng tử cung; thai chậm phát triển so với tuổi thai; Huyết áp 140/90mmHg. Nếu các chị em bị đau bụng, và xuất hiện ra máu âm đạo (máu đỏ hoặc đen) thì cần lập tức đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra.

Lúc này hiện tượng thai nghén có thể xuất hiện, mẹ bầu nên lưu ý chia nhỏ các bữa ăn, tránh những thực phẩm khiến cơ thể khó chịu, và luôn không để dạ dày rỗng.

Hàng ngàn người lao động tại Hải Phòng được tư vấn chăm sóc sức khỏe trong dự án “Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt”

Lưu ý khi mang thai 3 tháng giữa

Trong giai đoạn thai từ 13 đến 28 tuần, hầu hết mẹ bầu đã cảm thấy hiện tượng thai nghén giảm dần, đây là thời điểm phù hợp để các chị em bổ sung dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, việc kiểm soát cân nặng cũng cần được lưu ý. Trong suốt thai kỳ, cơ thể mẹ cần tăng ít nhất 10-12 kg. Trong đó, ba tháng đầu tăng 1 kg, ba tháng giữa tăng 4-5 kg. Nếu 3 tháng giữa tăng dưới 3 kg thì mẹ bầu cần ăn uống và bồi dưỡng tăng cường thêm để tăng cân trong 3 tháng cuối.

Thai nhi cũng bắt đầu có những chuyển động rõ rệt hơn đồng nghĩa với việc bố mẹ cần theo dõi hoạt động của con hàng ngày. Nếu không thấy thai máy, đạp; xuất hiện triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, có phù 2 chân hoặc nặng mi mắt, việc thăm khám cần được thường xuyên hơn để được các bác sỹ tư vấn kịp thời.

Những bất thường như huyết áp ở mức 140/90mmHg, hiện tượng chảy máu âm đạo và siêu âm thấy tim thai không ổn định cũng cần được theo dõi sát sao trong giai đoạn này.

Bác sĩ Trần Thị Minh Tâm đang truyền thông chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại Hải Phòng

Lưu ý khi mang thai 3 tháng cuối

Những tuần còn lại trong tử cung của mẹ cũng rất quan trọng đối với sự phát triển thai nhi. Chế độ ăn trong giai đoạn này không quá quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi như trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thế nên nếu thai phụ có ăn ít đi một chút thì thai nhi vẫn nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.

Thai phụ nên tăng cân khoảng 0,5kg mỗi tuần trong 3 tháng cuối này và có thể tăng cân rất ít ở những tuần cuối. Tuy nhiên, việc tăng cân quá 2kg hay mỗi tuần tăng trên 1kg có thể gây ra các bệnh lý như phù, tăng huyết áp. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên uống nhiều nước (ít nhất 2 lít nước mỗi ngày) để chống mất nước và phòng ngừa táo bón.

Việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp mẹ bầu phát hiện nếu thai chậm phát triển so với tuổi thai, thai không đạp, siêu âm mất tim thai, loạn nhịp nhanh, chậm, cạn nước ối, vôi hóa gai rau và nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các bác sỹ, đặc biệt khi hiện tượng chảy máu âm đạo xuất hiện.

Mang thai là niềm hạnh phúc vô cùng to lớn, nhưng cũng là giai đoạn cuộc đời có thể xảy ra tai biến khôn lường (5 tai biến sản khoa), nên việc cần có kiến thức về làm mẹ an toàn là vô cùng cần thiết, cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sỹ.

Những biện pháp trên là một phần trong nội dung truyền thông chăm sóc sức khỏe thuộc Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt” giai đoạn 4 (năm 2020) tại Hải Phòng. Dự án do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hải Phòng và Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng tổ chức.

Trong năm nay dự án tiếp tục nhận được sự tài trợ của Tập đoàn TH, Tổ chức DKT International, Công ty TNHH Sự Lựa Chọn Vàng (Golden Choice) với thương hiệu thuốc tránh thai Newchoice & bao cao su OK và quà tặng từ Công ty Dược phẩm Hoa Linh.

Để đạt được hiệu quả tối ưu và toàn diện cho dự án, Công ty Golden Choice đã chính thức ra mắt ứng dụng tránh thai mang tên New Choice Reminder.

Trong suốt 25 năm gắn bó với người tiêu dùng, thương hiệu Newchoice luôn đồng hành, thấu hiểu và mong muốn mang tới cho cộng đồng những giải pháp tránh thai an toàn và hiệu quả.

Việc đầu tư và xây dựng ứng dụng tránh thai Newchoice Reminder là một trong những bước tiến mới trong chiến lược phát triển của thương hiệu, giúp chị em có được giải pháp an toàn và đơn giản trong việc tránh thai.

Ứng dụng tránh thai Newchoice đã có sẵn trên nền tảng IOS và Android

Hướng dẫn sử dụng và Download tại đây

Yến Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan