Khi mang bầu, thai bị chết lưu liên tục làm nhiều người cho rằng do thai phụ quen dạ. Nguyên nhân thực sự có phải chỉ do người phụ nữ?
Hỏi: Tôi đã có một bé gái, lần mang bầu thứ 2 khi được 6 tháng đi khám bác sĩ bảo không có tim thai, bị thai lưu. Ngay sau đó tôi phải nhập viện để bác sĩ giúp lấy thai lưu. Sau lần mang thai thứ 2 bị hỏng, khoảng 3 tháng sau tôi tiếp tục mang thai lần 3. Lần này thai nhi được 3 tháng tuổi lại bị chết lưu. Mẹ chồng bảo, tôi bị thai lưu quen dạ, có thai cũng sẽ bị hỏng như các lần trước. Tôi rất buồn và lo lắng, không biết mình có thể sinh em bé được nữa không? Tình trạng liên tục bị thai lưu như tôi có phải do quen dạ? (chị Trần Hương, 29 tuổi, ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Theo chuyên gia nam học và phụ sản BSCKII Lê Thế Vũ (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), tình trạng thai phụ liên tục bị thai lưu dân gian vẫn thường nói là quen dạ và sẽ rất khó có con, những lần mang thai sau dễ bị thai lưu như lần trước. Chính vì lối suy nghĩ này mà mọi người cho rằng lỗi thuộc về người phụ nữ. Tuy nhiên, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm.
Bởi, thai lưu là do cả nam và nữ. Chất lượng trứng của phụ nữ và chất lượng tinh trùng của nam giới không tốt là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thai lưu. Mà chất lượng trứng, tinh trùng kém là do nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày như việc sử dụng chất kích thích, sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng…
Hơn nữa, mọi người phải hiểu rằng, chu trình sinh tinh tối thiểu là 3 tháng, tức là khoảng 3 tháng có một lứa tinh trùng mới từ lúc mầm non đến lúc phát triển. Chính vì vậy thai vừa hỏng do chết lưu lại tiếp tục có thai ngay sẽ rất dễ bị thai lưu tiếp. Nguyên nhân là do lứa tinh trùng và trứng đang là “lô hàng” kém chất lượng.
Có thể hiểu nôm na rằng, bị thai lưu xong có thai luôn thì lần thụ thai tiếp theo vẫn là đợt tinh trùng kém chất lượng được sản xuất trước đó vì khoảng 3 tháng mới có 1 đợt tinh trùng mới được sản xuất. Vậy nên thai lưu liên tục không phải do thai phụ quen dạ mà do chất lượng tinh trùng và trứng kém.
“Chính vì vậy mà trường hợp thai phụ bị thai lưu do trứng hoặc tinh trùng, tôi thường khuyên sau 6 tháng mới nên có em bé. Và những thai phụ bị lưu thai cũng không nên lo lắng thái quá về việc sinh con. Thực tế có rất nhiều chị em tuân thủ nghiêm ngặt lời khuyên của bác sĩ và vẫn sinh ra những em bé khỏe mạnh bình thường” – bác sĩ Lê Thế Vũ cho hay.
Bên cạnh đó, để phòng tránh tình trạng thai chết lưu, trước khi thụ thai cả vợ và chồng cùng phải chú ý chế độ ăn uống, không dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, chè... Người mẹ cần tránh làm việc nặng, làm việc quá sức, tránh tiếp xúc với các loại hóa chất, môi trường ô nhiễm, ăn uống đầy đủ các dưỡng chất, nghỉ ngơi hợp lý, giữ cho tinh thần luôn được thoải mái và nhớ đi khám thai định kỳ để bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của người mẹ.