Bộ GD&ĐT vừa công bố khung kế hoach thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký quyết định ban hành khung thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
Theo đó, lịch đi học của học sinh cả nước năm học 2022-2023 như sau:
Lịch khai giảng năm học 2022-2023 của học sinh cả nước vào ngày 5/9. Thời gian tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.
Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng để các em có thời gian làm quen với trường lớp.
Học sinh kết thúc học kỳ I trước 15/1/2023 và hoàn thành chương trình năm học trước ngày 31/5/2023.
Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và công nhận tốt nghiệp THCS trước 30/6/2023.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để ban hành khung thời gian năm học phù hợp dựa trên nguyên tắc, đảm bảo số tuần thực học.
Cụ thể, giáo dục mầm non, phổ thông có 35 tuần thực học, trong đó học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần.
Đối với lớp 8,9 ở bậc THCS và lớp 11, 12 ở bậc THPT có 36 tuần thực học, mỗi học kỳ chỉ có 16 tuần.
Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.
Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.
Trong trường hợp ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thời gian tựu trường và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với quy định tại Điều 1 của Quyết định này để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Các trường hợp đặc biệt phát sinh khác, báo cáo Bộ GD&ĐT trước khi thực hiện.