Làm rõ thông tin hoại tử xương hàm, xương sọ liên quan tới COVID-19, tránh làm người dân hoang mang

Người dân đang rất quan tâm tới các ca bệnh hoại tử xương hàm, xương sọ đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy và BV Răng Hàm Mặt TƯ TP.HCM. Bộ Y tế đã yêu cầu 2 bệnh viện báo cáo cụ thể về các ca bệnh này.

Thông tin chính xác dựa trên cơ sở khoa học, tránh làm người dân hoang mang

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa phát đi công văn gửi BV Chợ Rẫy và BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM về việc báo cáo tình hình người bệnh hoại tử xương hàm.

Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu 2 BV này trước ngày 16/7 phải báo cáo nhanh tình hình người bệnh đến khám, điều trị, kết quả điều trị bệnh hoại tử xương hàm từ tháng 2/2022 đến nay cho Bộ Y tế.

Cơ quan này cũng yêu cầu hai BV thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến bệnh lý trên. Báo cáo cần gửi về Cục Quản lý khám, chữa bệnh ngay sau khi thực hiện.

Ngoài yêu cầu các cơ sở y tế này cần tiếp tục khám, điều trị chu đáo với người bệnh, lãnh đạo Cục cũng yêu cầu hai BV có các thông tin chính xác dựa trên cơ sở khoa học và đề xuất các biện pháp để người dân chủ động đề phòng, tránh làm hoang mang, bất ổn trong xã hội.

Hoại tử xương hàm, xương sọ có liên quan tới COVID-19 không?

Theo Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, đến nay vẫn chưa thể khẳng định bệnh này có liên quan đến COVID-19 hay không.

Nguyên nhân của tình trạng hủy xương thường do tắc mạch, giảm máu nuôi dẫn đến hoại tử, hoặc có thể do các yếu tố bên ngoài như vi sinh vật tấn công làm viêm nhiễm xương. Trong 3 bệnh nhân được điều trị lần này có 2 trường hợp có nấm sợi tơ trong mô xương sọ bị viêm, tương tự các bài báo cáo quốc tế.

Bình thường, môi trường xung quanh có nhiều loại vi sinh vật, khi cơ thể suy giảm miễn dịch như mắc bệnh đái tháo đường, sẽ dễ bị tấn công.

Trong số các bệnh nhân được ghi nhận 2 tháng gần đây, có 5 bệnh nhân mắc đái tháo đường. Trước đây người đái tháo đường rất hiếm bị cốt tủy viêm xương nhưng sau khi COVID-19 xuất hiện, thế giới ghi nhận nhiều ca. Các bệnh nhân sau phẫu thuật đều được dùng kháng sinh, kháng nấm khoảng 6 tháng để đánh giá tình hình.

Hiện Bộ Y tế chưa có phác đồ điều trị về bệnh lý này nên ngay cả những trường hợp được chẩn đoán đúng bệnh thì giải pháp nào để xử lý về mặt chuyên môn cũng là vấn đề còn nhiều tranh luận. Đây là loạt ca bệnh xuất hiện trong thời gian ngắn chưa từng có tiền lệ nên việc giải thích bệnh cho bệnh nhân và người nhà gặp nhiều khó khăn.

Các triệu chứng điển hình trên bệnh nhân và được chia thành các nhóm triệu chứng như:

- Nhìn thấy vùng sọ hoặc mặt có dấu hiệu sưng nề, không cân đối 2 bên, ấn đau và ấn có cảm giác phù nề, lõm.

- Vùng trán sưng nề, ấn lõm nhẹ, đau

- Khám mắt : Mi mắt trên sưng đỏ tấy, đau, rạch ra có ít mủ.

- Khám nội soi mũi xoang: Trong hốc mũi có nhiều mủ vàng đặc chảy ra từ các lỗ xoang hay lỗ thông xoang sau mổ những lần trước, 1 số bệnh nhân có kèm theo hoại tử nặng trong mô mềm và các xương hốc mũi.

- Khám răng lợi: Các răng hàm trên lung lay, đau, hoại tử niêm mạc làm lộ xương hàm hoặc hoại tử rộng vùng xương khẩu cái kèm theo nhiễm trùng, có mùi hôi thối khi bệnh nhân súc miệng (Mặc dù các răng thì còn trong tình trạng tốt)

Trên hình ảnh học phim CT - scan thấy tình trạng viêm của các xương thuộc hệ thống xương hàm trên như :

- Xương nền sọ : Xương trán, xương bướm, xương thái dương, xương chẩm

- Các xương thuộc hệ thống xương hàm trên: Xương của thành các xoang mặt, xương khẩu cái.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan