Các bác sĩ tim mạch cho rằng, phụ nữ lớn tuổi dễ bị hội chứng “trái tim tan vỡ” hơn phụ nữ trẻ tuổi, lý do là bởi sự suy giảm của nội tiết tố nữ sau mãn kinh.
Nếu một người như chúng ta đột nhiên được chẩn đoán là ung thư giai đoạn cuối, hoặc vừa mất đi một người rất thân yêu, hay khi chúng ta vừa kết thúc một mối tình trong mơ thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Nói cách khác, nếu chúng ta đau khổ, hay chúng ta “buồn muốn chết” thì liệu chúng ta có chết thật không? Câu trả lời là có, tuy nhiên may mắn là nguy cơ này không cao. Ông bà ta nói đúng: thời gian chữa lành tất cả!
Bệnh cơ tim Takotsubo, còn được gọi là Bệnh cơ tim do stress, hoặc Hội chứng trái tim tan vỡ (Broken Heart Syndrome), được mô tả lần đầu vào năm 1990 tại Nhật Bản.
Ở Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 6.500 trường hợp nhập viện vì Takotsubo (con số thực tế chắc chắn còn cao hơn).
Tại sao gọi là Takotsubo: trong tiếng Nhật, tako-tsubo có nghĩa là cái bình tròn có cổ hẹp dùng để nhốt bạch tuộc và khi một cá thể mắc phải bệnh lý này, trái tim của họ sẽ có hình dáng giống như bình tako-tsubo.
Bệnh này chủ yếu gặp ở nữ giới và thật may mắn là người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau khoảng 1 - 2 tháng.
Tuy nhiên, cứ 5 người mắc phải bệnh lý này thì sẽ có 1 người bị suy tim thật sự về sau. Các biến chứng mặc dù hiếm gặp nhưng nguy hiểm trong bệnh lý Takotsubo bao gồm: rối loạn nhịp thất, tắc nghẽn đường ra thất trái hoặc vỡ tim.
Biểu hiện của bệnh này bao gồm: đau ngực và khó thở sau gắng sức nặng hoặc xúc động mạnh; bất thường điện tâm đồ dạng giống nhồi máu cơ tim; men tim tăng nhẹ và nhanh; siêu âm tim ghi nhận giảm co bóp tâm thất trái, phình mỏm tim, tuy nhiên chụp mạch vành lại không thấy bằng chứng của nghẽn tắc mạch máu.
Các nhân tố stress có thể thúc đẩy bệnh lý này bao gồm; tụt huyết áp đột ngột, bệnh nặng đột ngột, đau đớn thể chất hoặc lo sợ cực độ, bạo lực gia đình, cơn hen suyễn cấp, nhận được tin xấu (ví dụ ung thư giai đoạn cuối), cãi nhau dữ dội, mất mát về tài chính, mất đi người thương yêu, sống sót sau một tai nạn nghiêm trọng hoặc sau các thảm họa tự nhiên như động đất.
Nguyên nhân gây nên bệnh Takotsubo chưa được xác định chính xác, nhưng y giới nghĩ rằng đây là tình trạng gây ra do sự phóng thích nhiều và nhanh của các nội tiết tố liên quan đến stress (ví dụ adrenaline).
Các nội tiết tố này kích hoạt các thay đổi của tế bào cơ tim và/hoặc dòng chảy của động mạch vành, do đó làm tâm thất trái co bóp không hiệu quả.
Các bác sĩ cũng tin rằng phụ nữ lớn tuổi dễ bị bệnh cơ tim Takotsubo hơn phụ nữ trẻ tuổi, lý do là bởi sự suy giảm của nội tiết tố nữ sau mãn kinh (estrogen, một loại nội tiết tố mang tính “bảo vệ” tim mạch).
Có sẵn vài loại thuốc được tin là giúp ích trong việc làm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh Takotsubo, một số loại thuốc khác còn giúp ngăn chặn sự tái phát của bệnh lý này.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần giảm gắng sức và cần được xoa dịu các nỗi đau đớn, lo sợ như là một nền tảng cho việc điều trị.