GS Hoàng Chương: 'Ngay ở nơi khởi nguồn tục đốt vàng mã, họ chỉ làm với ý nghĩa tượng trưng'

Trong khi nhiều người Việt còn đang mù quáng tin rằng, sau lập lòe, đỏ hỏn của lửa hóa ô tô, nhà lầu, tiền vàng… “các cụ, thần linh” sẽ nhận lấy và đáp trả xứng đáng với “tấm lòng thành” của họ thì Trung Quốc - đất nước khởi nguồn tục đốt vàng mã chỉ coi đó như một văn hóa tượng trưng.

Trước hàng loạt các tranh cãi liên quan đến vấn đề đốt vàng mã của người dân, PV Gia Đình Mới đã có cuộc trò chuyện với GS Hoàng Chương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam – người được mệnh danh giáo sư nặng lòng với văn hóa người Việt và hiểu rất rõ về Phật giáo.

GS Hoàng Chương: “Có thể nói, vàng mã là một tục lệ rất lâu đời của nước ta. Chúng ta tiếp nhận văn hóa này ở thời điểm bị Trung Quốc đô hộ. Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước khu vực Đông Nam Á cũng bị ảnh hưởng bởi tục lệ này”.

Thế nhưng, theo GS, khi ông sang tìm hiểu về tục lệ đốt vàng mã, đốt nhang ở một số nước phương Đông cũng như ngay chính đất nước khởi nguồn, họ chỉ làm với ý nghĩa tượng trưng.

Như ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Lào, Myanmar,… họ đốt một nén nhang, chút giấy mã tiền và gửi tâm hồn mình vào đó. Lúc ấy, tâm hồn con người như quyện theo làn khói đi về cõi tâm linh. Với văn hóa tượng trưng của người phương Đông, một bó hương cũng như một nén hương.

“Ngay ở những đất nước Phật giáo, nhiều chùa ra quy định không cho vàng mã, hương đèn để đảm bảo vệ sinh. Nhiều nơi, họ sử dụng loại nhang hóa học không khói để bảo vệ môi trường và hạn chế tối đa việc sử dụng giấy tiền, hương nhang”, GS Hoàng Chương cho biết thêm

Chính từ đó, GS Hoàng Chương cho rằng: “Người Việt đang không hiểu được quy luật của văn hóa phương Đông. Trong khi một văn hóa đẹp với sự tượng trưng, ước lệ, cách điệu. Nhiều người đang “tả thực” nó, “trần trụi” nó.

Có nghĩa là, đáng lý chỉ nên đốt tượng trưng với số lượng ít, nhiều người lại đốt như 1 lò than với từng đống từng đống kèm theo sự lãng phí. Hành động đó là phản văn hóa, thương mại hóa, xuất phát từ tư tưởng sống vì tiền. Nhiều người nhận thức một cách sai lầm, nhất là khi nghĩ, họ đốt nhiều, dâng nhiều thì thần thánh cho lại bấy nhiêu.

Nhiều người đang "biến tướng" tục lệ đốt vàng mã

Thực chất, chẳng có thần thánh nào tiếp nhận những núi vàng mã, kho giấy bốc cháy rừng rực như vậy. Đặc biệt, nhiều người còn đang sai lầm, đi chùa, cúng Phật cũng đốt mã tiền vì trên thực tế, Phật giáo không hề có đốt vàng mã”.

Việc đốt một cách mù quáng, thiếu hiểu biết đó, vô tình, người Việt đang gây ra sự lãng phí vô cùng lớn, trực tiếp gây ảnh hưởng tới môi trường sống và thể hiện một văn hóa lệch lạc.

Nhất là, các sản phẩm “người âm” ngày càng biến tướng, không chỉ dừng ở dụng cụ hàng ngày thiết yếu, công nghệ thông tin cũng được áp dụng, có khi, người trần còn chăm sóc cả “đồ lót” cho người âm.

Và trong khi các văn bản đề nghị cấm đốt vàng mã, thay vì tiếp nhận thực hiện, nhiều người mê muội “nhảy dựng” với nỗi lo sợ không thể hiện được tấm lòng của bản thân. Nhiều người đưa ra những lí luận “cùn” với suy nghĩ “tiền mình mua mình đốt”.

Trước thực trạng đó, nhất là việc “cấm đốt vàng mã” nhận lại sự phản đối lớn của nhiều người, theo GS Hoàng Chương: “Khi cấm ngay đốt vàng mã, người dân sẽ sốc, sẽ làm lén vì nó đã ăn sâu vào ý thức, văn hóa của người Việt. Chúng ta phải làm từng bước nhưng không được nhân nhượng.

Ta nên có quy định bao nhiêu giấy, bao nhiêu nén hương đủ để họ an tâm về mặt tâm linh. .

Còn với những người lí thuyết “cùn”, chúng ta nên nhớ, nếu những lập luận đó tồn tại thì nước ta, pháo vẫn nổ. Đốt pháo trong ngày Tết, với người Việt trước kia cũng là một tập tục theo xu hướng tâm linh. Nhưng khi chúng ta kiên quyết, chúng ta vẫn có thể làm được, xóa bỏ được những tục lệ sai lệch”.

Hồng Ngọc/GiaDinhMoi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan