Bức ảnh bé London O'Neill 1 tuần tuổi quấn khăn 7 sắc cầu vồng nằm giữa trái tim kết bằng những kim tiêm nói lên niềm hi vọng bất diệt mà cha mẹ em đã có để trải qua thử thách thụ tinh nhân tạo (IVF).
Trải qua hàng trăm mũi tiêm làm loãng máu, nhiều lần thụ tinh nhân tạo không thành công, cuối cùng chị Kimberly đã chào đón bé London cất tiếng khóc chào đời vào ngày 3/8 vừa qua.
Bức ảnh “em bé cầu vồng” chụp bé London dù chỉ là câu chuyện riêng tư của cặp đôi đồng tính Patricia và Kimberly O'Neill (Mỹ), nhưng đã được chia sẻ tới 65.000 lần trên Facebook, trở thành biểu tượng truyền hi vọng cho những cặp đôi gặp khó khăn trong vấn đề sinh con.
“Tôi hi vọng rằng các cặp đôi khác cũng trải qua những khó khăn như chúng tôi có thể nhìn thấy từ bức ảnh đó ánh sáng cuối đường hầm” - Patricia O'Neill nói với CNN.
Patricia và Kimberly gặp nhau từ 6 năm trước, họ cùng làm việc ở một nhà trẻ. Cặp đôi này yêu nhau và muốn có cùng nhau một đứa con.
Mặc dù hành trình có con của các cặp đôi đồng tính nữ luôn khó khăn, tuy nhiên, khi bắt đầu thử thụ tinh trong ống nghiệm vào Tháng 2/2014, họ không nghĩ rằng sẽ phải trải qua nhiều thử thách đến vậy.
Patricia và Kimberly đều có con riêng từ các mối quan hệ trước đó, tuy nhiên họ vẫn muốn có cùng nhau một đứa con sinh học. Họ quyết định Patricia sẽ là người mang thai đứa con chung.
Ở Arizona, họ tìm đến một bác sĩ sản khoa và đã tiến hành 2 lần thụ tinh ống nghiệm khác nhưng không đậu phôi thai nào. 2 lần thụ tinh tiếp theo, họ có 5 phôi thai nhưng đều bị hỏng khi được 6-8 tuần.
Cảm thấy có vấn đề không ổn nên bác sĩ của Patricia quyết định làm một số xét nghiệm di truyền và phát hiện Patricia bị tình trạng đông máu gọi là Factor V Leiden. Phụ nữ bị đột biến gen này có nguy cơ máu đông cao hơn trong thai kỳ.
Chỉ còn một phôi thai cuối cùng để theo đuổi hy vọng có con, cặp đôi này tìm đến Tiến sĩ John Couvaras, một nhà nội tiết sinh sản nổi tiếng có gần 20 năm trong nghề.
Ông Couvaras chẩn đoán rằng Patricia có dấu hiệu viêm, hàm lượng vitamin D thấp và thiếu enzyme khiến dễ bị sẩy thai. Ông kê đơn cho Patricia tiêm thuốc Heparin 2 lần/ngày. Chất này làm loãng máu, giúp thai nhi có được lưu lượng máu tốt hơn.
Quả nhiên, với phôi thai cuối cùng, “Chúa đã phù hộ” – như lời Patricia nói.
Cuối năm 2017, niềm hạnh phúc khi biết mình có thai đã đến cùng với sự lo lắng trong lòng người mẹ Patricia. Chị miêu tả tâm trạng của mình mỗi khi đến gặp bác sĩ sản khoa: “Thật sự giống như ngồi trên mép ghế trong tất cả buổi hẹn”.
Các bác sĩ siêu âm thai cứ 2 tuần một lần, và lần đầu tiên nghe thấy tiếng tim thai cũng đã đến.
Ngay từ khi nghe tin “chồng” mình mang thai, Kimberly O'Neill đã đi tìm ý tưởng chụp ảnh cho đứa con sắp chào đời. Cô đột nghiên nghĩ đến việc chụp ảnh đứa bé bao quanh bởi những chiếc kim tiêm, do đó mỗi lần “chồng” tiêm xong, cô đều giữ lại chúng.
“Vợ tôi giữ lại mọi xi lanh mà tôi đã tiêm, chụp mũi xi lanh và dán nhựa xung quanh chúng. Chúng tôi không biết có chính xác bao nhiêu mũi tiêm cho đến ngày cuối cùng” - Patricia nói.
Khi bé London đã đủ lớn trong bụng mẹ, cặp đôi này đã liên lạc với một nhiếp ảnh gia. Nhiếp ảnh gia trẻ sơ sinh Samantha Packer cho biết cô đã chụp hàng chục bức ảnh của những đứa trẻ cầu vồng, là những đứa trẻ sinh ra sau khi một người mẹ đã sảy thai hoặc em bé qua đời từ khi mới sinh.
Bé London chào đời trong niềm hân hoan vô tận của gia đình. Khi bé được 1 tuần tuổi, bé được cha mẹ đưa đi chụp ảnh theo đúng kế hoạch. Nhiếp ảnh gia đã phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để xếp tất cả những xi lanh mà cha mẹ em bé mang đến.
Packer nhận ra sự choáng ngợp của cả Patricia và Kimberly. “Cả 2 nhanh chóng bật khóc. Tôi nghĩ rằng đó là lý do vì sao bức ảnh này gây rung động với quá nhiều người. Hành trình của họ, cái đích và trẻ con, điều đó là quá ý nghĩa” – Packer nói - “Ngay khi tôi nhìn vào ống kính, tôi đã nghĩ bức ảnh này dồn nén vẻ đẹp, sự nỗ lực và tình yêu. Đó là tất cả những gì đáng giá”.