Nhà biên kịch phim 'Quỳnh búp bê' nhận xét: Hoa hậu không phải là những cô gái sau đăng quang thành tích chỉ là mua bao nhiêu túi hiệu, váy hiệu. Hãy xem các hoa hậu của ta làm gì cho đất nước, cho xã hội?
Nhà báo Kim Ngân, nhà biên kịch phim "Quỳnh búp bê" đang gây sóng gió cộng đồng mạng nhờ nội dung phim vô cùng hấp dẫn. Khía cạnh mà bộ phim đề cập chính là vấn đề nóng của xã hội trong thời gian qua: Cuộc sống của các cô gái bán dâm.
PV Gia Đình Mới có cuộc phỏng vấn với nhà biên kịch Kim Ngân để thấy rõ hơn những góc khuất không chỉ có trong phim.
PV: Nói về các cuộc thi sắc đẹp ngày nay, không ít người bày tỏ quan điểm hành vi một số người đẹp đi bán dâm là “phá hoại vẻ đẹp Việt Nam”? Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Nhà báo, nhà biên kịch Kim Ngân: Đúng! Tiếc và buồn! Các cô gái Việt Nam ngày càng đẹp hơn, do cuộc sống của cha cha mẹ đỡ vất vả hơn và họ có nhiều sự trợ giúp hơn khi muốn chỉnh nhan sắc.
Tôi còn nhớ cái thở dài rất buồn của một bác nhà văn già nổi tiếng khi cả nhà háo hức xem hoa hậu, bác nói: "Đẹp đấy, nhưng liệu giữ được cái đẹp bao lâu, hay rời sân khấu này xuống là bắt đầu toan tính bán mua, làm mọi cách để kinh doanh cái đẹp cha mẹ cho?"
Các cuộc thi sắc đẹp ngày một nhiều, các cô gái coi thi sắc đẹp để cuộc đời có bước ngoặt, điều đó không hiếm. Thế nhưng, chúng ta đừng đổ tất cả lỗi cho các cô khi từ trong nhà đến trường lớp, chúng ta đã làm gì để dạy các cô gái xinh đẹp?
Chúng ta có dạy họ rằng "đẹp nhưng phải tốt, phải biết tự trọng, phải trở thành người có ích khi các đẹp của bản thân được tôn vinh hay không?"
Và báo chí cũng không vô can trước sự tha hoá của một số người đẹp. Đó là khi nhan nhản những tin bài về người mẫu A ngực khủng, cô B mới thẩm mỹ mông có vòng 3 trứ danh, hôm nay MC này khoe bộ sưu tập túi hàng hiệu, ngày mai hoa hậu kia chi hầu bao sắm áo váy đắt tiền.
Và giới trẻ nhìn vào đó, họ ước ao được như chị A, chị B. Và các chị đã làm gì để có những thứ ấy thì các em cũng sẽ học hỏi nhanh thôi.
Đố là hệ lụy của một xã hội trọng hình thức giả tạo, lờ đi những điều xấu xa, bằng lòng với thành tích dởm, ngại đấu tranh, ngại nói thật ....
Ắt hẳn là như thế!
PV: Nhiều người trong xã hội cho rằng, không ít hotgirl, người mẫu tham gia các cuộc thi sắc đẹp để lấy danh hiệu, từ đó “nâng giá” của mình trong kinh doanh mại dâm. Bà có nhận xét gì về thực trạng trên hay không?
Đó cũng là một sự thật. Chúng ta phải hiểu, cùng đẹp nhưng nếu cô đó là Á hậu, hoa khôi, ca sĩ nổi tiếng hay MC xuất hiện thường xuyên trên truyền hình, những kẻ mua dâm trong tận cùng của nhơ nhớp vẫn cần “thành tích" để khoe với nhau.
Họ kể về việc "hôm nay tao mới ngủ với em á hậu X... Mày kém tao, biết con MC tên Y không, cứ bật ti vi lên là thấy đó, hôm qua tao mới đi khách sạn với em đó đó"...
Và chính từ đó, có danh hiệu, những chân dài có thể nâng giá, và đó còn là một con đường.
Và có cả những con đường khó khăn hơn một chút, nhục hơn một chút khi không có danh hiệu. Đó là tự gây những phốt nóng cho xôn xao dư luận, phốt hở, tụt, cởi cố tình.
Khi ấy, báo chí nhảy vào lên án nhưng mặt trái là vô tình quảng bá giùm họ. Và thế là họ nổi tiếng. Giá cũng vì thế mà lên!
PV: Theo bà, chúng ta có nên đổ lỗi cho việc có “quá nhiều cuộc thi sắc đẹp”?
Tôi thích xem các cuộc thi hoa hậu thế giới. Ở đó, có những cô đẹp thật sự, khoẻ khắn, tự tin, có học, ăn nói chững chạc và chân thật.
Còn ở Việt Nam, vô tình đứng sau mỗi cuộc thi là có các đại gia sẵn va ly tiền trong cốp xe thì nói thật, tôi không muốn xem nữa.
Hoa hậu không thể là con rối gây cười trong màn thi ứng xử với những lời lẽ ngô nghê, vô học. Hoa hậu không thể là những bình hoa di động cười như một cái máy khi ống kính lia vào trong chuyến đi từ thiện bị ép buộc.
Hoa hậu không phải là những cô gái sau đăng quang thành tích chỉ là mua bao nhiêu túi hiệu, váy hiệu. Hãy xem các hoa hậu của ta làm gì cho đất nước, cho xã hội? Lạy trời, các cô sống yên ổn với chồng đẹp con xinh là đã đỡ cho xã hội lắm rồi!
Vậy nên, các cuộc thi sắc đẹp nhan nhản chả có ích gì cho chúng tôi và con cái chúng tôi.
Cảm ơn bà!