Nếu không chỉ là người yêu hay người vợ mà còn trở thành “chiến hữu” của chồng, thì chắc chắn cuộc hôn nhân ấy sẽ trọn vẹn và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Khi nghiên cứu cho cuốn sách “Bí mật của các cặp đôi hoàn hảo: Yêu mình, yêu người, yêu đời”, nhà tâm lý học trị liệu Kim Olver đã khảo sát hàng trăm cặp đôi khác nhau về chìa khóa của hạnh phúc hôn nhân. Hơn 70% câu trả lời cô nhận được là “tình bạn” và “thời gian riêng tư ở bên nhau”.
Khi Kim Olver nhìn lại những trường hợp tìm đến cô để xin tư vấn, phần lớn lí do cho việc một người ngoại tình là “Vợ tôi chẳng lúc nào ủng hộ tôi cả”, “Anh ấy toàn lờ đi lúc tôi đang nói chuyện”, “Chồng tôi không hiểu tôi”, “Vợ tôi suốt ngày cáu gắt và ca cẩm những chuyện không đâu”.
Cô nhận ra rằng, tất cả những lời phàn nàn này đều có một điểm chung, đó là chúng đối lập hoàn toàn với những gì thường có trong mối quan hệ bạn bè.
Hãy thử nhớ lại những lúc bạn ở bên bạn bè mình xem.
-Bạn nói với bạn bè đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, gần như chẳng phải giấu nhau một điều gì.
-Bạn luôn lắng nghe các câu chuyện của bạn mình dù không phải lúc nào cũng hứng thú.
-Bạn gần như chẳng bao giờ đánh giá ngoại hình hay năng lực của bạn bè.
-Bạn luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn bè.
Đây chính xác là những điều bạn và “người ấy” đã dành cho nhau vào lúc mới yêu. Nhưng liệu bây giờ những gạch đầu dòng trên còn đúng với cuộc hôn nhân của bạn.
Nếu câu trả lời của bạn là “Không”, thì hãy thử một lần nữa, trở lại làm “chiến hữu” của chồng mình. Rất có thể sau khi áp dụng x bước sau, bạn sẽ có thêm một “cạ cứng” tuyệt vời ngay trong ngôi nhà của mình nữa đấy!
Dù rằng gia đình là nơi ta thể hiện nhiều mặt khác nhau của con người mình nhất, nhưng không phải ai cũng có thể là chính mình khi ở bên người bạn đời của mình.
Bạn có từng giấu đi nỗi tủi thân lúc chồng mải mê tụ tập bạn bè, bỏ mặc bạn đánh vật với đống chén đĩa để vợ chồng “cơm lành canh ngọt”?
Bạn có từng “bằng mặt mà không bằng lòng” với những mối quan hệ bên nhà chồng, để rồi vào một ngày đẹp trời nào đó lại ấm ức trút nỗi bực bội ngầm ấy lên chồng bạn?
Nếu bạn không thật sự thoải mái, bằng cách này hay cách khác, chồng bạn cũng sẽ cảm nhận được điều đó.
Hãy thành thật với những cảm xúc của mình, và tìm cách bộc lộ nó theo cách hạn chế tổn thương nhất cho người bạn đời của bạn.
Ngoài im lặng, to tiếng “bức xúc” hay “xả giận” trên Facebook, còn có rất nhiều cách khác để bạn có thể được lắng nghe.
Chồng bạn có những tật xấu và khuyết điểm, nhưng bạn cũng vậy. Chúng ta hiếm khi đánh giá và đòi hỏi quá nhiều ở bạn bè mình, nhưng rất nhiều khi, ta lại trông đợi ở “người bạn đời” quá nhiều và phán xét họ trên từng milimet.
Có nhiều người có thể chịu đựng được tật đi trễ và những lần đứa bạn cho mình “leo cây”, nhưng lại không thể ngừng ca thán vì những lần trễ hẹn của “người ấy”.
Chúng ta không bao giờ so sánh bạn của mình với bạn của người khác, “Sao mày không giỏi như bạn thằng A”, “Lương mày so với thằng B chẳng thấm vào đâu”, những suy nghĩ ấy có khi không bao giờ mảy may lướt qua tâm trí ta khi nghĩ về bạn mình.
Hầu hết chúng ta có thể chấp nhận con người của bạn bè mình với đủ mọi ưu khuyết, nhưng dường như thật khó để làm thế với người mang danh “bạn đời” của chính mình.
Một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là không được nói xấu bạn mình, thậm chí khi nghe ai đó nói xấu bạn mình chúng ta còn sẵn sàng “xắn tay áo” bảo vệ đến cùng. Thế nhưng việc các chị em tụ tập “buôn dưa lê” nói xấu chồng dường như đã trở thành một chuyện hiển nhiên.
Bạn đã bao giờ nghĩ rằng từ “bạn đời” cần nên được hiểu một cách trọn vẹn, rằng người chung chăn gối cũng xứng đáng được bạn đối xử như những “cạ cứng” thân thiết nhất của mình?
Nếu có một “phiên bản tình bạn” của chương trình “Bạn muốn hẹn hò?” thì liệu đơn đăng ký của bạn sẽ trông như thế nào đây? Bạn sẽ tìm kiếm điều gì ở một người để trở thành bạn tốt?
Giờ thì bạn đã hiểu rằng mình mong muốn có một người bạn như thế nào rồi, vậy điều tiếp theo bạn cần làm sẽ là gì?
Đơn tham gia “Tìm kiếm bạn bè?”
“Người bạn lý tưởng” mà tôi tìm kiếm là người:
-Giúp tôi cảm thấy thoải mái khi là chính mình
-Nhìn nhận những ưu điểm hay thành tựu của tôi
-Lắng nghe mà không phán xét hay “lên lớp”
-Nhớ ngày sinh nhật, những món khoái khẩu, sở thích… của tôi
-Không chê bai hay chỉ trích các sở thích của tôi
-Thân thiện hòa đồng với bạn bè của tôi
-Không nói xấu tôi với người khác và luôn đứng về phía tôi
Đúng vậy, nếu muốn trở thành “chiến hữu” của chồng mình, hãy làm những điều mà bạn mong muốn ở một người bạn lý tưởng.
Bạn muốn một người bạn biết tôn trọng sự riêng tư của bạn, vậy hãy cho chồng khoảng trời riêng của anh ấy thay vì dò xét từng ly từng tí.
Bạn muốn một người bạn cùng chia sẻ những sở thích của mình, vậy tại sao không hỏi chồng về những thứ anh ấy quan tâm? Dù bạn không hiểu hết đi chăng nữa, nhưng không ai lại không hào hứng khi nói về thứ mình yêu thích.
Bạn muốn một người bạn không nói xấu mình và khen ngợi những ưu điểm của mình với người khác, vậy thì hãy dành cho chồng sự tôn trọng trong những câu chuyện với người ngoài, dù “người ngoài” đó là bạn thân hay người nhà bạn đi chăng nữa.
Nhu cầu được có một “người bạn đời” đúng nghĩa luôn thôi thúc trong mỗi chúng ta, và có lẽ đó là lý do mà việc ngoại tình tư tưởng – mối quan hệ ít liên quan đến nhu cầu thể xác – đang trở nên ngày càng phổ biến.
Tại sao chúng ta lại để người bạn đời của mình phải tìm kiếm đâu xa, trong khi bản thân ta cũng có thể trở thành tri âm tri kỷ ấy?