GS Hoàng Chương cho rằng, tục đốt vàng mã hiện nay đã trở thành phong trào xấu xí, dần dẫn đến căn bệnh mê tín dị đoan nặng nề, khó chữa...
Gần đây, từ đầu tháng 7 Âm lịch, nhiều gia đình đã mua đủ loại vàng mã về đốt với hi vọng là "cúng cô hồn" và "gửi đồ cho ông bà tổ tiên" với hi vọng được yên ổn và tài lộc.
Do quan niệm “trần sao âm vậy”, các loại vàng mã được đốt xuống thế giới cõi âm cũng vô cùng phong phú và sinh động.
Người ta sản xuất, buôn bán và đốt từ nhà lầu, xe hơi, smarphone đến các loại quần áo, đồ trang sức...
Ông Vũ Văn T (một chủ cơ sở vàng mã có tiếng tại Sài Sơn, Hà Nội) cho biết: “Tháng 7, xưởng phải làm gấp đôi bình thường do nhu cầu nhiều. Chủ yếu là các mặt hàng như: nhà mã, điện thoại, quần áo, mỗi tuần cũng 1,2 lần xe tải đổ ra các đại lý ở Hà Nội”.
Còn ông Nguyễn Văn Thái (người dân phố Lò Đúc) thì nói rằng: “Tôi mua ít vàng mã, bao gồm: tiền vàng, quần áo, đốt xuống cho các cụ dưới đấy, mong các cụ phù hộ. Hôm nay, tôi mua hết ngót gần 2 triệu để chuẩn bị lễ tháng 7”.
Trao đổi với Gia Đình Mới, GS. Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, cho rằng: “Trong Phật giáo không hề có đề cập đến việc đốt vàng mã. Trong sử sách Việt Nam, các dữ liệu về văn hóa cũng không hề đề cập đến việc người chết đòi hỏi về việc đốt vàng mã như tiền, iPhone, xe cộ…”
Theo GS Chương, việc đốt vàng mã quá nhiều dẫn đến những hệ lụy khôn lường về văn hóa cũng như sinh hoạt đời sống của nhân dân. Những đống vàng mã lớn nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn, ô nhiễm, bệnh tật.
GS Hoàng Chương cho biết thêm: “Tục đốt vàng mã hiện nay đã trở thành phong trào xấu xí, hủ tục, dần dẫn đến căn bệnh mê tín dị đoan nặng nề, khó chữa”.
Giáo sư Hoàng Chương cũng từng chia sẻ những nghiên cứu của ông về văn hóa tâm linh các nước Châu Á. Ông khẳng định, ở các nước Châu Á như Nhật, Lào, Campuchia..., việc đốt nhang hay vàng mã rất giản lược chứ không quá nặng nề như Việt Nam.