Không phải ai cũng biết Khải Silk là doanh nhân từng kiếm 1 triệu USD từ năm 24 tuổi và sở hữu khối tài sản khổng lồ hàng nghìn tỉ đồng.
Bắt đầu sự nghiệp tử con số 0
Doanh nhân Hoàng Khải sinh năm 1964 tại Hà Nội. Ông là con trai cả trong một gia đình 3 anh em trai tại phố Hàng Gai, Hà Nội.
Tuổi thơ trong ký ức của ông là những ngày tháng cơ cực, chiều chiều 'lọc cọc đạp ngoáy mông trên chiếc xe đạp cà tàng đi học nhạc chỉ ước một que kem cốm Tràng Tiền'.
Ngày còn nhỏ, cha của ông từng khuyến khích con trai học nhạc. Khải Silk cũng từng là sinh viên của Nhạc viện Hà Nội, nhưng cuối cùng cơ duyên đã khiến ông bỏ học và bước vào con đường kinh doanh.
Bước ngoặt quan trọng đến với Khải Silk vào 30 năm trước. Ông chia sẻ: 'Lúc đó nhà còn nghèo lắm, một lần vô tình nghe một người bạn nước ngoài làm việc và sống tại Hà Nội hỏi chuyện, muốn tìm mua lụa tơ tằm mang về nước làm quà để tặng người thân, vì những năm 80 ở Hà Nội, rất khó có thể tìm được những món quà có ý nghĩa'.
Một đầu óc kinh doanh nhạy bén có lẽ đã thể hiện thiên hướng của nó từ rất sớm. Khải Silk chợt nghĩ: 'Tại sao không đi tìm những nơi sản xuất lụa tơ tằm về, để mở cửa hàng bán cho những người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam và khách du lịch?'.
Vậy là cái tên Khaisilk ra đời. Vào lúc ấy, thị trường kinh doanh chưa có nhiều sự nổi trội, gắn liền tên mặt hàng mang thương hiệu Việt Nam với tên của mình là một cách định vị thương hiệu mạnh mẽ và khá táo bạo bấy giờ.
Cột mốc tiếp theo trong cuộc đời ông chính là vào năm 25 tuổi: 'Năm 25 tuổi, lần đầu tiên tôi đi mua nhà và xây một cửa hàng Khaisilk cao 7 tầng, các vị đại sứ và người nước ngoài sống và làm việc ở tại Hà Nội lúc đó rất ưu ái. 6 tháng sau, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đã đến thăm cửa hàng Khaisilk 3 lần liền trong chuyến thăm đầu tiên tại Việt Nam sau thời gian dài Việt Nam bị cấm vận'.
Sau thành công ban đầu, những gặt hái tiếp theo của Khải Silk là việc mở rộng độ phủ sóng của Khaisilk tại các khu vực nhiều khách du lịch giàu có như Đồng Khởi (TPHCM) hay khách sạn Intercontinental Peninsula Đà Nẵng và JW Marriott Phú Quốc.
Khối tài sản khổng lồ
Năm 2007, chiếc Rolls-Royce Phantom với trị giá khoảng 1 triệu USD đột ngột xuất hiện trước cửa khách sạn Sheraton đường Đồng Khởi, quận 1, TP HCM, và chủ nhân của siêu xe này chính là đại gia Khải Silk. Vào thời điểm đó, chiếc Rolls-Royce Phantom được coi là chiếc xe đắt nhất Việt Nam.
Khối bất động sản mà ông sở hữu cũng được ước tính trị giá tới hàng chục triệu USD. Nổi bật là tòa lâu đài màu trắng Tajmasago được thiết kế theo dáng dấp của ngôi đền cổ Taj Mahal có trị giá 15 triệu USD từng được nhắc đến trong tạp chí Forbes phiên bản tiếng Việt.
Không thể không nhắc đến trung tâm thương mại và giải trí "Sài Gòn Paragon" thiết kế theo phong cách cổ điển châu Âu với số vốn đầu tư lên tới 35 triệu USD hay Cham Charm - một trong những nhà hàng đẹp nhất thuộc chuỗi các nhà hàng triệu đô của Khaisilk.
Chưa dừng ở đó, trong tương lai gần Khải Silk sẽ xây dựng 2 khách sạn tại Bãi dài Cam Ranh 15 triệu USD và tòa cao ốc THE KHAI trị giá 30 triệu USD.
'Hệ sinh thái' doanh nghiệp ông Khải Silk
Có thể nói không ngoa rằng Khải Silk đã mở rộng công việc của mình đến mức trở thành một 'hệ sinh thái' riêng mang đậm dấu ấn của bản thân và 'tung hoành' ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một trong những doanh nghiệp lâu năm và đóng vai trò lõi trong hệ sinh thái doanh nghiệp của ông Hoàng Khải là Công ty TNHH Khải Đức (Khải Đức).
Khải Đức bắt đầu thành lập ngày 13/08/2002, có loại hình pháp lý là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trong cơ cấu lãnh đạo công ty, doanh nhân Hoàng Khải đóng vai trò Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật; Còn Tổng Giám đốc là ông Phan Anh Đức.
Khải Đức có rất nhiều chi nhánh về lĩnh vực nhà hàng và thời trang, trong đó có thể kể đến như: Nhà hàng Trung Hoa Minh tại 23 Nguyễn Khắc Viện, Nhà hàng Chăm số 2 Phan Văn Chương, Nhà hàng Trung Hoa Thao Li, Nhà hàng Nam Phan tại Võ Văn Tần, Nhà hàng Nam Phan Đà Lạt; hay các cửa hàng thời trang như Cửa hàng thời trang 2A ở Tôn Đức Thắng, Cửa hàng Thời trang 81 tại Đồng Khởi, Cửa hàng thời trang Phú Mỹ Hưng tại Nguyễn Lương Bằng...
Trụ sở của Khaisilk với lùm xùm 60 chiếc khăn chính là trự sở chi nhánh Công ty TNHH Khải Đức tại Hà Nội, do ông Hoàng Mi, người thân của ông Hoàng Khải phụ trách.
Ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản có sự điều hành của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải, thành lập ngày 23/09/2008, hay công ty cổ phần Đầu tư Khaisilk mới được thành lập cách đây chưa lâu, cụ thể là ngày 11/01/2016, với lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, cho thuê mặt bằng.
Lĩnh vực ẩm thực của 'hệ sinh thái' Khải Silk gần đây có sự xuất hiện nổi bật của Phở ông Khải.
Công ty TNHH Phở Ông Khải (Phở Ông Khải) được thành lập ngày 17/04/2017, trụ sở chính tại tầng 1, số 03 Nguyễn Lương Bằng – P. Tân Phú (Q.7), đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là nhà hàng và các dịch vụ ăn uống lưu động.
Một tháng sau khi thành lập, vốn điều lệ của Phở Ông Khải đạt mức mức 75 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu gồm: Hoàng Khải (22 tỷ đồng; tương ứng với 29%); CTCP Kim Cương (71%).
Vậy còn CTCP Kim Cương (Kim Cương) có liên quan gì tới ông chủ Khaisilk?
Kim Cương được thành lập ngày 08/09/2004, đăng ký trụ sở chính tại Phòng 701 Lầu 7, Số 03 Nguyễn Lương Bằng, Phường Tân Phú, Quận 7 (Tp. HCM); do bà Lê Hoài Anh làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Công ty này được sáng lập và sở hữu bởi 5 cá nhân gồm: Phan Anh Đức; Hoàng Khải; Hoàng Phi Phi; Lê Hoài Anh; Lê Hoài Nam; Đoàn Anh Quân.
Trung tâm thương mại Saigon Paragon chính là dự án do CTCP Kim Cương hợp tác cùng với một doanh nghiệp khác, tổng vốn đầu tư là 35 triệu USD theo tỷ lệ 50/50, trên diện tích đất 6.000 m2 tại góc đại lộ Nguyễn Lương Bằng và đường Hoàng Văn Thái, quận 7.
Saigon Paragon cung cấp 19.000 m2 khu thương mại, 4.000 m2 khu giải trí, 15.000 m2 khu văn phòng cho thuê và 3.000 m2 dành riêng cho khu vực tổ chức hội nghị. Bãi đỗ xe tầng hầm có sức chứa 400 xe hơi.
Từ đó, ta có thể thấy rằng sự nghiệp kinh doanh của Khải Silk không chỉ gắn với vải vóc và các sản phẩm thời trang, mà còn vô cùng đồ sộ, từ kinh doanh bất động sản đến chuỗi nhà hàng ăn uống.
Với sự đồ sộ ấy, có thể nói rằng Khải Silk đang dần xây dựng cho mình một 'đế chế' riêng mà ở đó, không có chỗ cho những bước lùi.
Những mốc quan trọng trong sự nghiệp của doanh nhân Hoàng Khải
- 22 tuổi, tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội và mở cửa hàng KHAISILK đầu tiên.
- 28 tuổi, mở 19 cửa hàng KHAISILK tại các khách sạn 5 sao ở Hà Nội và một nhà hàng Khai Brother.
- 32 tuổi, khai trương một resort 4 sao đầu tiên ở Hội An và biết 4 ngoại ngữ.
- 38 tuổi mở KHAISILK trên toàn Việt Nam tại những con đường nổi tiếng như Đồng Khởi, Hàng Gai và trong những khách sạn sang trọng bậc nhất như Intercontinental Peninsula Da Nang hay JW Marriott Phu Quốc và khai trương 10 nhà hàng cao cấp nhất tại thành phố Hồ Chí Minh.
- 45 tuổi bắt đầu xây dựng trung tâm thương mại SaiGon Paragon với diện tích hơn 25.0000m2.
- 50 tuổi xây dựng khách sạn lâu đài Tajmasago nổi tiếng.
- 54 tuổi, Hoàng Khải đã mở thành công chuỗi phở "Ông Khải" với 100 cửa hàng trong 2 năm. Mục tiêu tiếp theo của Hoàng Khải là xây dựng tòa cao ốc The Khai với diện tích 20.000 m2, 1 khách sạn 179 phòng tại Cam Ranh.