Đi tìm 'cặp đôi hoàn hảo' bằng cách đo... nhịp tim

Nhà tâm lý học John Gottman cùng đồng nghiệp Robert Levenson từ ĐH Washington đã thực hiện thí nghiệm để tìm ra công thức cho “cặp đôi hoàn hảo” và “cặp đôi hoàn cảnh”.

 

 John Gottman đã dành hơn 40 năm của cuộc đời mình khảo sát hàng nghìn cặp đôi khác nhau để trả lời cho câu hỏi: Đâu mới đích thực là chìa khóa của hạnh phúc hôn nhân? Ông đã bắt đầu từ những nghiên cứu nhỏ cho đến khi thành lập Học viện The Gottman – trung tâm tư vấn tâm lý dành cho các cặp đôi.

Đo nhịp tim để tìm hạnh phúc

Gottman và Levenson đã đưa các cặp đôi mới cưới vào phòng quan sát để thấy được cách họ tương tác với nhau. Các cặp đôi này được kết nối với một thiết bị điện tử trong khi họ trò chuyện về mối quan hệ của mình – từ cách họ gặp nhau, các kỷ niệm đáng nhớ cho đến những lần tranh cãi nghiêm trọng.

Thiết bị trên đã ghi lại về lưu lượng máu, nhịp tim và cả lượng mồ hôi tiết ra trong khi họ nói chuyện. Nhóm nghiên cứu của Gottman sẽ dõi theo các cặp đôi này trong vòng 6 năm tiếp theo.

Kết quả thu được khiến họ phải ngạc nhiên – số liệu sinh học và tình trạng mối quan hệ được chia thành 2 nhóm rõ rệt, tạm gọi là “cặp đôi hoàn hảo” và “cặp đôi hoàn cảnh”. Những “cặp đôi hoàn hảo” này tiếp tục chung sống hạnh phúc trong 6 năm, trong khi các “cặp đôi hoàn cảnh” hoặc đã chia tay, hoặc liên tục bất hòa trong hôn nhân.

“Cặp đôi hoàn hảo” và “cặp đôi hoàn cảnh” – điều gì làm nên sự khác biệt?

Điểm chung của những “cặp đôi hoàn cảnh” là trong suốt buổi phỏng vấn, họ đều có vẻ rất bình tĩnh, nhưng các thông số sinh học của họ lại phản ánh hoàn toàn ngược lại. Nhịp tim và lưu lượng máu tăng nhanh, tuyến mồ hôi cũng hoạt động mạnh hơn.

Theo dõi hàng nghìn cặp đôi như vậy, Gottman nhận ra rằng: Các cặp đôi càng có phản ứng sinh lý mạnh lại càng nhanh chóng đổ vỡ hơn. Những biểu hiện của họ đều mang tính kích động và cảnh giác – như thể họ có thể “gây chiến” bất cứ lúc nào.

“Các cặp vợ chồng này ngồi bên bạn đời của mình mà cơ thể họ phản ứng không khác gì một người đang đối diện với thú dữ. Ngay cả khi đang chia sẻ về những điều dễ chịu và giản dị trong mối quan hệ của mình, họ cũng luôn sẵn sàng cho việc bị công kích hoặc công kích người kia”…

 Bạn có từng cảm thấy bức tường ngăn cách giữa cả hai?

Chính tâm trạng ấy đã khiến nhịp tim của họ tăng nhanh và trở nên gay gắt với đối phương hơn. Gottman đã quan sát thấy một ví dụ khá điển hình, đó là khi được hỏi về những gì họ đã trải qua, một người chồng dễ kích động có thể quay sang bảo vợ mình “Sao em không nói đi, có mất thời gian của em lắm đâu”.

Những ví dụ tương tự có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hôn nhân. Đó là khi mà có thể người vợ chỉ cằn nhằn về việc chồng về muộn, nhưng người chồng trong tâm thế phòng vệ quá đà lại cho rằng vợ nói mình hay đàn đúm la cà, thậm chí… có người phụ nữ khác.

Ngược lại, các “cặp đôi hoàn hảo” lại có phản ứng sinh lý hoàn toàn khác. Các chỉ số của họ luôn bình ổn, ngay cả khi nhắc đến những cuộc tranh cãi giữa hai người.

Điều này không liên quan đến trạng thái sức khỏe bẩm sinh của họ. Trong thời gian bên nhau, họ đã xây dựng được sự thân mật và tin tưởng, sự thoải mái về tinh thần ấy khiến phản ứng thể chất của họ cũng dễ chịu hơn.

Chúng ta vẫn thường cho rằng người bạn đời của mình đột ngột thay đổi sau khi kết hôn, nhưng thí nghiệm của Gottman đã cho thấy một góc nhìn khác – rằng rất có thể vấn đề đã luôn tồn tại, chỉ là biểu hiện của nó quá tinh tế và khó nhận ra.

Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là, làm thế nào để có thể gỡ bỏ hàng rào phòng thủ và xây dựng được sự gắn bó ấy với người ta yêu thương nhất?

Thí nghiệm về các khoảnh khắc “kết nối” từ trái tim đến trái tim

 Đừng vô tình để lỡ cơ hội gần gũi hơn với người bạn đời của mình

John Gottman muốn biết cách mà các “cặp đôi hoàn hảo” xây dựng được tình cảm và sự tin cậy lẫn nhau, trong khi những “cặp đôi hoàn cảnh” lại mâu thuẫn triền miên. Trong một thí nghiệm tiếp theo, ông thiết kế một buổi hẹn hò cho 130 cặp đôi với chiếc giường đẹp đẽ và những món tráng miệng ngon lành.

Ông mời các cặp đôi này đến “địa điểm thí nghiệm” và quan sát những gì họ làm – cũng là những hoạt động bình thường của các đôi yêu nhau khi đi du lịch – nấu ăn, nghe nhạc, ăn uống, “chém gió”…

Từ những gì ghi nhận được, Gottman và cộng sự của ông đã nhận ra điểm mấu chốt khiến một mối quan hệ trở thành lý tưởng hay “thảm họa”.

Trong suốt ngày hôm ấy, những người vợ hoặc chồng sẽ thi thoảng nói về điều gì đó để chia sẻ với người kia. Tỉ dụ như một vợ “cuồng” mèo chẳng hạn, khi tình cờ thấy một chú mèo con gần đó, cô liền gọi chồng “Anh xem con mèo xinh chưa kìa!”

Khi ấy, cô vợ không chỉ đang nói về một con mèo, mà còn đang tìm sự quan tâm từ chồng hay một phản ứng nào đó – Gottman gọi đây là “sự kết nối”.

Người chồng khi ấy có hai lựa chọn, hoặc “quay lưng” – lờ đi hoặc phản ứng một cách thờ ơ với sự hào hứng của vợ, hoặc “quan tâm” – tức là nhìn về phía cô vợ chỉ và chia sẻ sự hào hứng ấy.

 Những khoảnh khắc hòa chung cảm xúc sẽ khiến tình yêu được thăng hoa

Những người thể hiện phản ứng “quan tâm” bạn đời của mình sẽ lắng nghe và chú ý đến điều người kia nói, đôi khi còn hào hứng đáp lại.

Ngược lại, những người “quay lưng” thì chỉ gật đầu, ậm ừ rồi tiếp tục xem TV hay lướt điện thoại, thậm chí là còn cằn nhằn “Em có thôi đi không, anh đang cần tập trung đây”.

Dù đây chỉ là một biểu hiện rất nhỏ nhặt, nhưng khi được lặp đi lặp lại, nó nói lên rất nhiều điều về mối quan hệ. “Sự kết nối” ấy có thể là bất cứ thứ gì – một bài hát mới, một tin tức lạ trên thời sự, một thành tích ở cơ quan… - khi một trong hai người hứng thú với nó và mong muốn nhận được phản ứng từ đối phương, thì cách người kia đáp lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ của họ.

Kết quả sau 6 năm của các cặp đôi cho thấy: Những cặp đã ly hôn có tỷ lệ “quan tâm” chỉ chiếm 33%. Trong khi đó, các cặp vẫn đang hạnh phúc trong hôn nhân có tỷ lệ “quan tâm” lên đến 87%. Cứ 10 lần họ mở lời với người kia thì 9 lần được đáp lại bằng sự nhiệt tình.

Bằng cách quan sát những biểu hiện nho nhỏ như thế, Gottman có thể dự đoán chính xác đến 94% khả năng hạnh phúc lâu dài của một cặp vợ chồng – dù họ mang giới tính nào, giàu hay nghèo, có con hay không.

Không phải tuổi tác, tình trạng kinh tế hay chuyện con cái, mà hạnh phúc của họ phần lớn phụ thuộc ở không khí họ đem lại cho mối quan hệ của mình. Liệu họ có dành cho bạn đời của mình sự quan tâm và tử tế, hay ngược lại là thờ ơ, xét nét?

“Các ‘cặp đôi hoàn hảo’ có một thói quen rất thú vị” – Gottman chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ The Atlantic – “Họ tìm kiếm trong cuộc sống những điều mà họ có thể biết ơn và khiến họ hạnh phúc. Họ xây dựng sự tôn trọng và trân trọng lẫn nhau một cách chủ động. Trong khi đó các cặp ‘thảm họa’ lại soi xét để tìm kiếm lỗi lầm của đối phương”.

Sự tử tế là chìa khóa của hạnh phúc hôn nhân

 Sự quan tâm từ những điều nhỏ nhặt có ý nghĩa hơn ngàn lời nói

      

Khi nhắc đến sự tử tế, chúng ta có thể nghĩ đến những món quà nho nhỏ bất ngờ, những hành động lãng mạn, một số người cho rằng đó là bẩm sinh tính cách. Nhưng các “cặp đôi hoàn hảo” không nghĩ vậy.

“Sự tử tế ở đây giống như một cơ bắp của cơ thể. Ở một số người, nó bẩm sinh mạnh mẽ hơn những người khác. Nhưng bạn hoàn toàn có thể luyện tập để đạt được điều đó”.

Điểm khác biệt không phải là cách bạn đối xử với bạn bè của mình lúc vui vẻ, mà là cả khi bạn mệt mỏi, stress hay bận rộn. Khi đó, sự tử tế sẽ quyết định việc bạn “quan tâm” hay “quay lưng” với những mối bận tâm của người ấy.

Khoảnh khắc ấy, sẽ thật dễ dàng để “quay lưng” và tiếp tục tập trung vào màn hình điện thoại, bộ phim đang xem dở và ậm ừ “Thế à?”, nhưng nếu những phản ứng thờ ơ ấy lặp đi lặp lại, mối quan hệ của bạn sẽ nhạt nhẽo và dần xa cách.

 Chúng ta đều muốn biết rằng mình đang được yêu thương

Chúng ta thường cho rằng phải là những điều lớn lao to tát mới có thể ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân của mình. Nhưng thực tế, chính những khoảnh khắc rất nhỏ nhặt thôi mới là điều đem các cặp vợ chồng lại gần nhau hay trở nên dần xa lạ.

Ngay từ ngày hôm nay, với người thân yêu nhất của bạn – là người người chồng, người vợ hay cha mẹ, những đứa con – hãy dành cho họ những sự quan tâm nho nhỏ ấy, để họ biết rằng mình vẫn luôn được yêu thương.  

Mai Hoa/giadinhmoi.vn