Thay vì phải gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận như trước đây, sắp tới doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó
Thông thoáng thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm
Ngày 28/2, Cục An toàn thực phẩm tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 15/2018/NĐ-CP (Nghị định 15) quy định một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định này thay thế Nghị định 38/2012 không còn phù hợp điều kiện hiện nay, gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Quy định mới này được các doanh nghiệp mong đợi từng giờ và được đánh giá là cuộc “cách mạng” trong quản lý an toàn thực phẩm. Đặc biệt, những quy định này có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày ký 2/2/2018.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, Nghị định 15 có thay đổi 11 nội dung chính, trong đó quy định về thủ tục tự công bố sản phẩm là có sự thay đổi lớn nhất số với trước đó.
Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ tự công bố sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ sản xuất nội bộ, không tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Theo đó, các doanh nghiệp tự công bố sản phẩm của mình và nộp 1 bản đến cơ quan quản lý nhà nước.
Ngay sau khi tự công bố, doanh nghiệp được sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó. Cơ quan nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm.
So với quy định cũ, sẽ có tới 75% sản phẩm bao gói sẵn trên thị trường sẽ được tự công bố sản phẩm.
Bên cạnh đó, tại Nghị định này có 10 cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm:
Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; Sản xuất kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; Sơ chế nhỏ lẻ; Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; Nhà hàng trong khách sạn; Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; Kinh doanh thức ăn đường phố;
Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát giới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhân hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
9 loại sản phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu
Điểm nhấn lớn nữa tại Nghị định 15 là thay đổi căn bản quy định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Nếu trước đây, 100% mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành thì nay sẽ mở rộng diện không cần kiểm tra.
Theo đó, Nghị định 15 quy định tới 9 loại sản phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu.
Chẳng hạn như: các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; hay sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở…
Phương thức kiểm tra theo Nghị định 15 cũng có sự thay đổi đột phá. Cụ thể, với kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ), cơ quan chức năng sẽ chỉ tiến hành kiểm tra xác suất, tối đa 5% hồ sở trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do hải quan lựa chọn ngẫu nhiên...
Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, với việc thay đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành như trên, khoảng 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành.
Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, ông Trần Nhật Nam, Trưởng phòng Pháp chế - Hội nhập (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, Nghị định 15 tiếp tục phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, NN&PTNT theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối.
Đặc biệt, đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của 2 Bộ trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Nghị định 15 còn điều chỉnh các quy định về thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm, thực phẩm biến đổi gen, ghi nhãn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm...
Theo các ước tính, việc thực thi Nghị định 15 sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp.