Bất kì gia đình có con nhỏ nào cũng sử dụng xe tập đi cho trẻ như xe tròn, xe “con gà”… Nhưng theo nhiều bác sĩ nhi khoa, việc sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ tập đi không phù hợp có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng về chức năng đi lại sau này.
Cách đây không lâu, mạng xã hội nổi cộm với thông tin bà mẹ có con nhỏ chia sẻ về việc con bị ảnh hưởng dáng đi bởi tập đi sai cách. Cụ thể, bé nhà chị 22 tháng tuổi phải điều trị vật lý trị liệu vì dáng đi không được đẹp. Khi thăm khám, gia đình được bác sĩ cho biết, trẻ bị ảnh hưởng dáng đi bởi chính chiếc xe tròn tập đi quen thuộc.
Câu chuyện đó đã gây hoang mang cho không ít gia đình có con nhỏ vì chiếc xe tròn tập đi là vật dụng vô cùng quen thuộc.
Tại Đơn vị Liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm Cứu Trung Ương, nhiều trẻ đang phải nhập viện điều chỉnh dáng đi… Phần lớn trẻ đến đây với dáng đi xấu, đi khập khiễng, dáng chữ O hoặc chữ X.
Ngoài những nguyên nhân do bệnh lý như nhiễm khuẩn, dây thần kinh bị tổn thương, viêm đa rễ dây thần kinh ngoại biên. Hoặc do thời kỳ từ bào thai, trẻ bị khèo bẩm sinh do nhiễm trùng gây viêm, co rút cơ xương hay ảnh hưởng từ tư thế nằm thì vẫn có không ít trẻ là nạn nhân do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ.
Theo Ths. Bs Dương Văn Tâm - Trưởng đơn vị Liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em cho biết, nhiều trẻ “hỏng dáng” do những thói quen sai lầm của cha mẹ, từ việc bế sai, bế cắp nách, cha mẹ cho trẻ đi quá sớm, cho dùng xe tròn tập đi quá lâu, trong thời gian dài. Hoặc người thân không chỉnh tư thế ngồi xấu, đẻ ra đã nằm tư thế dạng chân ếch khiến trẻ quen, xương bị ảnh hưởng.
Có những trường hợp do quá béo, cân nặng ảnh hưởng tới khung xương trong quá trình tập đi. Hay nhiều trẻ do còi xương, không được cung cấp dưỡng chất đầy đủ nên cơ thể bị ảnh hưởng.
Ths. Bs Dương Văn Tâm chia sẻ: “Với những trẻ có dáng đi xấu, chân vòng kiềng… càng phát hiện sớm thì khả năng hồi phục càng nhanh và triệt để. Hiện nay, với trẻ bị biến dạng nhẹ, những phương pháp tập luyện với kỹ thuật thích hợp của các cơ sở y tế, sự hướng dẫn bài bản như đi đứng chạm đầu gối, bàn chân chạm gót chữ V… trẻ sẽ tìm lại dáng đi hoàn toàn bình thường.
Với trường hợp trẻ bị biến dạng nặng nề, các bác sĩ có thể chỉ định bó bột xương, dùng dụng cụ hỗ trợ tập luyện như nẹp, máng nhựa… để chỉnh hình”.
Cùng ý kiến trên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Truyền nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I cho biết thêm, cha mẹ thường lo lắng vì trẻ có dáng đi ngắn, đi hai hàng. Tuy nhiên, điều đó là hoàn toàn bình thường vì trẻ mới tập đi thường có phản xạ chống chân, không thể có dáng đi như người lớn được. Phải từ 3 – 7 tuổi, bé mới có dáng đi bình thường. Ngoài ra, dáng đi cũng có tính di truyền.
Thông thường khi mới tập đi, trẻ thường đi bước đi ngắn, gối ít gập, chân dạng rộng, bàn chân có khi hướng vào trong, hai tay để hơi cao.
Cha mẹ cần lưu ý khi trẻ đi khập khiễng, nếu trẻ quá khập khiễng, cha mẹ nên đo chiều dài của hai chân vì có thể bé bị tật trật khớp háng bẩm sinh. Cha mẹ không nên cho trẻ đi bằng xe tròn, chỉ cho trẻ tạo đi dáng xe chữ “L”.
“Với những bé mới tập đi, theo lời khuyên của hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, trước khi tập đi nên mang giày hoặc tất cho trẻ ấm chân, tránh được vật sắc nhọn. Chọn giày phải là giàu mềm, dẻo nhẹ, đế giày phẳng, không có gót và ôm vùa chân, đủ rộng”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.