Cô gái khiếm thị kể chuyện thầy Văn Như Cương bỏ tiền túi đóng học phí cho mình

Cô gái khiếm thị đã mạnh dạn gặp thầy Văn Như Cương để xin vào học. Sau khi nói chuyện, thầy quyết định nhận vào và còn bỏ tiền túi của mình ra để đóng học phí cho cô gái khiếm thị, giúp em được tiếp tục tới trường đi học như các bạn đồng lứa.

Hoà theo dòng người trong lễ tang thầy Văn Như Cương, cô gái Đào Thu Hương không giấu nổi những giọt nước mắt đang lăn dài. 

Những ký ức về thầy Văn Như Cương đối với cô đặc biệt hơn những bạn trang lứa khác. Bởi vì cô là một người khiếm thị. 

Năm 2003, tốt nghiệp cấp 2 trường Nguyễn Đình Chiểu và thi đỗ cấp với điểm số 56,5 điểm, mẹ Thu Hương là cô Hạnh đã đi gõ cửa nhiều trường cấp 3 để xin học cho con gái của mình.

Cô Hạnh đã đi rất nhiều trường cấp 3 nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu chối từ vì Hương bị khiếm thị. Trong lúc hoang mang, lo lắng về tương lai đứa con của mình, cô Hạnh tìm đến cầu cứu thầy Văn Như Cương.

Thu Hương đứng cùng người bạn của thầy Văn Như Cương nói về người thầy đáng kính. 

Nhớ lại khoảng thời gian đó, cô Hạnh chỉ nghĩ có cơ hội học tập nào cho con là cô thử bằng được. Nhắc tới Trường Lương Thế Vinh Hà Nội, cô Hạnh đến gặp thầy Văn Như Cương khi đó là Hiệu trưởng của trường trong tâm thế không có nhiều hy vọng con cô được nhận.

Thầy Văn Như Cương xem xét học bài của Thu Hương, thầy rất hài lòng với thành tích luôn đứng đầu những năm học cấp 2 của cô và thầy đồng ý nhận chỉ sau 15 phút.

Ngày tuyển sinh của trường, thầy Văn Như Cương đã ngồi đợi hai mẹ con cô Hạnh trong phòng từ bao giờ.

Thầy Văn Như Cương đồng ý cho Thu Hương vào học tập tại trường Lương Thế Vinh, thầy quay sang hỏi Thu Hương ‘Em sẽ trả bài bằng cách nào?’. Không chút đắn đo, Thu Hương nói với thầy: với những môn tự nhiên, Hương sẽ trả lời miệng còn các môn xã hội sẽ trả bài qua máy tính.

Thu Hương nghẹn ngào khi nhắc tới thầy Văn Như Cương. 

Thầy đồng ý với cách trả bài đó của Hương. Vậy là, suốt 3 năm học cấp 3 tại đây, khác với những học sinh bình thường, Hương không viết bằng bút, bằng giấy mà trả bài các môn học theo một cách đặc biệt. Điều này cũng được các thầy cô giáo bộ môn thực hiện theo.

Niềm vui của hai mẹ con cô Hạnh không dừng lại ở đó. Thầy Văn Như Cương nói, trường Lương Thế Vinh là trường tư nên sẽ không miễn học phí cho bất kỳ ai cả. Nhưng thầy sẵn sàng bỏ tiền túi của mình ra, đóng học phí giúp Thu Hương được đến lớp bình đẳng.

Lặng lẽ ngồi ở ghế ngoài sân chờ, Thu Hương nghẹn ngào: ‘Thầy Văn Như Cương trước tiên là người thầy giáo đáng kính, mặc dù chưa bao giờ được học tiết nào cùa thầy trên lớp.

Nhưng lớn hơn thế, thầy với tôi còn là ân nhân. Nếu không có thầy Cương thì chưa chắc tôi đã có được ngày hôm nay’.

Cô Nguyễn Thị Hạnh coi thầy Văn Như Cương là ân nhân của gia đình cô. 

Suốt những năm đi học cấp 3, thầy Văn Như Cương luôn quan tâm, động viên Hương học tập và rèn luyện dưới mái nhà Lương Thế Vinh. Thầy Văn Như Cương đã nói với thầy cô giáo và các bạn cùng lớp tạo điều kiện cho Hương học tập, đừng phân biệt gì cả.

Chuyển từ lớp A0 chuyên tự nhiên sang lớp D0 chuyên xã hội, Thu Hương luôn giữ vững phong độ đứng đầu lớp trong 3 năm học cấp 3. Thu Hương nhận được sự yêu quý của các thầy cô giáo và các bạn trong lớp.

 

Không dừng lại ở đó, chính thầy Văn Như Cương là người đã đưa Thu Hương tới gặp thầy Đinh Quang Báo là hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội (1997 -2006).

Sau khi xem xét hồ sơ và học bạ của Hương, thầy Quang Báo đồng ý tuyển thẳng Hương vào trường ĐH Sư Phạm Hà Nội và để cho Hương tự chọn chuyên ngành học. Thu Hương chọn học khoa Tiếng Anh.

Khi đó, thầy Quang Báo còn bảo, nếu biết Thu Hương từ trước thì đã nhận cô vào học Cấp 3 Phổ thông chuyên sư phạm của ĐH Sư Phạm Hà Nội.

Thầy Văn Như Cương là người đón Thu Hương vào trường Lương Thế Vinh với cái nhìn bình đẳng và công bằng như những học sinh khác và mở ra một tương lai tươi sáng cho cô gái kém may mắn này.

Những dòng cô Hạnh gửi tới thầy Văn Như Cương nơi chín suối. 

Trong thời gian thầy bị bệnh, Hương không đến thăm thầy được vì đang học ở nước ngoài. Nhưng cô luôn giữ liên lạc với thầy qua facebook và khi về nước, ngay lập tức cô đến thăm thầy.

Khi còn đi học, Thu Hương vẫn đến thăm thầy vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Lễ, Tết. Khi đã đi làm, công việc bận rộn, Hương ít có dịp về thăm thầy thăm thầy thường xuyên nhưng hằng năm vẫn gọi điện về.

Khi nghe tin thầy mất, cả Thu Hương và mẹ của mình đều bàng hoàng, không tin nổi.

 

Khi Thu Hương bắt đầu vào trường, thầy Văn Như Cương có nói với Hương, ngày trước thầy học ở bên Nga, thầy học một giáo sư khiếm thị dậy toán và thầy rất kính trọng vị giáo sư đó.

Thầy tin là người khiếm thị vẫn có thể học được. Chính vì thế thầy sẵn sàng nhận Thu Hương vào trường. Đó là động lực giúp cô phấn đấu vươn lên, vượt qua mặc cảm cá nhân.

Sau này, tốt nghiệp sư phạm, dù không đi dậy ở trường lớp nhưng đối với học sinh của mình, Thu Hương luôn luôn truyền cho họ cảm hứng học tập và dù học sinh có thế nào đi chăng nữa thì nên cho họ cơ hội để phát triển.

Thầy Văn Như Cương là tấm gương để Thu Hương học tập và noi theo không chỉ trong cuộc sống mà còn trong sự nghiệp làm thầy của mình.

Với Thu Hương, thầy Cương là một người nhân hậu và giản dị. Cho đến tận bây giờ và mãi sau này Thu Hương không bao giờ quên ơn người thầy đáng kính Văn Như Cương.

Tú Anh /giadinhmoi.vn