Th.S, BS Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em - là chuyên gia nhiều năm gắn bó với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã chia sẻ quan điểm về vụ việc bé gái 1 tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành ở Phủ Lý, Hà Nam.
Trao đổi với PV Gia Đình Mới về vụ việc bé gái hơn 1 tháng tuổi bị người giúp việc đánh đập, hành hạ ở Phủ Lý, Hà Nam vừa qua, chuyên gia Nguyễn Trọng An đã có những chia sẻ về tình trạng bạo hành trẻ em ngày một gia tăng và lời khuyên dành cho những phụ huynh đang nuôi con nhỏ.
PV: Hiện nay việc thuê người giúp việc, người trông trẻ chăm sóc con nhỏ rất phổ biến. Tuy nhiên các trường hợp người giúp việc bạo hành trẻ em đang khiến phụ huynh lo ngại. Liệu có giải pháp gì để phòng ngừa, ngăn chặn những trường hợp này?
ThS., BS. Nguyễn Trọng An: Việc thuê người giúp việc, đặc biệt là lại bao gồm việc trông trẻ nhỏ, đang gặp phải một vấn đề - đó là chưa có một quy định rõ ràng trong việc lựa chọn, tuyển chọn người giúp việc.
Người giúp việc có thể có những tật xấu như hành vi ăn cắp chẳng hạn, nhưng những hành vi đó không đáng sợ bằng hành vi bạo lực, vì hành vi bạo lực có thể bắt nguồn từ rối loạn tâm thần, cho nên người ta có thể hành hạ vật nuôi trong gia đình, thậm chí hành hạ trẻ em.
Ở các nước khác như Philippines, Hàn Quốc... người giúp việc phải kiểm tra, trước tiên là về thể chất xem có mắc các bệnh truyền nhiễm hay không, cũng như kiểm tra đảm bảo rằng không mắc các bệnh về tâm thần.
Ở nước ta, hầu hết chỉ tự tìm hoặc nhờ qua người khác giới thiệu, rủi ro là gặp phải những người vốn mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần mà không ai biết.
Vậy nên ngay từ việc thuê người giúp việc cũng cần có sự hệ thống hóa để loại trừ những đối tượng không thích hợp.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nâng cao giám sát từ ngay bên trong chính gia đình.
PV: Cha mẹ phải trang bị những kiến thức gì để có thể phòng ngừa chung, thưa ông?
Khi mà chúng ta giao con cho người giúp việc hay các giáo viên, cần đặc biệt chú ý khi thấy con có biểu hiện lạ: những dấu hiệu bên ngoài như các vết bầm tím, vết cào, xước không rõ nguyên nhân; hay thất thường trong ăn uống như nôn, trớ, bỏ ăn; thay đổi lạ trong giấc ngủ như mất ngủ, hay giật mình, khóc thét trong khi ngủ. hnh
Một số biểu hiện khác như trẻ thay đổi tâm tính: dễ giật mình, cáu bẳn hơn, lo lắng, sợ hãi, tránh tiếp xúc gần gũi...
Nhiều khi chúng ta tưởng rằng trẻ đau ốm nhưng không phải, mà là do sang chấn tâm lý vì bị bạo hành.
Bản thân mỗi phụ huynh nên trang bị kiến thức cho mình bằng cách tham gia các khóa học làm cha mẹ, tìm hiểu về tâm lý trẻ em, nếu thấy con có biểu hiện bất thường cần đặt ngay câu hỏi và trong trường hợp cần thiết, có thể xin tư vấn của chuyên gia tâm lý để tránh những hậu quả lâu dài về sau.
PV: Vụ việc người giúp việc bạo hành bé gái 1 tháng tuổi vừa qua khiến dư luận bức xúc, tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên việc bạo hành trẻ em được đưa ra ánh sáng. Theo ông, nguyên nhân nào khiến hiện tượng này ngày một gia tăng?
Th.S, BS Nguyễn Trọng An: Hàng năm, Việt Nam ghi nhận hơn 4.500 trường hợp bạo lực, bạo hành trẻ em, trong đó khoảng 2.000 trường hợp là xâm hại tình dục
Nguyên nhân gốc rễ đầu tiên đến từ việc giáo dục trong gia đình. Những đối tượng bạo hành trẻ em có thể thiếu sự giáo dục từ những người lớn hơn từ khi còn nhỏ, khi lớn lên trở thành những con người thiếu giáo dục.
Giáo dục ở đây là gì? Không phải là kiến thức, mà là giáo dục về tình thương con người - đây cũng là một điều cần phải học. Đó là cách đối xử nhân ái, thân thiện và có tình người đối với đồng loại của mình.
Không phải khi nào trong gia đình cũng có sự giáo dục về tình thương như thế, đồng thời giáo dục nhà trường lại tập trung vào kiến thức nhiều hơn là giáo dục đạo đức. Sự thiếu giáo dục này là một lỗ hổng rất lớn, ăn sâu nhiều thế hệ và dẫn tới những trường hợp bạo hành mà dư luận vẫn lên án là 'vô nhân tính' hiện nay.
Vấn đề thứ hai, đó là công tác phòng ngừa trong bảo vệ trẻ em hiện nay rất kém. Những sự việc dư luận biết đến chỉ là sau khi đã xảy ra, chúng ta chỉ có thể quan tâm đến việc bù đắp cho những tổn thương của các em nhỏ mà không thể ngăn chặn nó từ trước khi nó xảy ra.
Chúng ta đang thiếu hụt đội ngũ Cộng tác viên (CTV), những người sống và làm việc với trẻ em ngay tại cộng đồng, nhờ vậy mới có thể biết được những gia đình có nguy cơ diễn ra bạo hành do cha mẹ ly hôn, người cha hay người mẹ nghiện rượu... để phát hiện, tư vấn và can thiệp từ sớm, không để xảy ra bạo hành.
Vấn đề tiếp theo là pháp luật của chúng ta chưa đủ nghiêm. Thông thường, ta chỉ có thể xử phạt hành chính, còn nếu gây thương tích, thương tổn cho trẻ thì phải từ 11% trở lên, đó là những tổn thương như chảy máu, ảnh hưởng cơ, xương khớp... mới có thể dùng các điều luật.
Tuy nhiên, với các em còn quá nhỏ, thương tích khó có thể đánh giá, trong khi đó những nguy cơ về rối loạn tâm lý nghiệm trọng chưa được quy định rõ ràng và càng khó có thể đong đếm được.
Xin cảm ơn ông!