Gánh nặng ung thư gan đến từ người nhiễm viêm gan B và C, lạm dụng rượu, ăn thực phẩm chứa nấm mốc aflatoxin.
Cứ 100.000 người Việt thì có 23,2 người bị ung thư gan
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018 cho thấy ung thư gan là một trong 5 loại gây tử vong hàng đầu, ước tính 782.000 ca tử vong mỗi năm. Gánh nặng ung thư gan đến từ người nhiễm viêm gan B và C, lạm dụng rượu, ăn thực phẩm chứa nấm mốc aflatoxin.
Trung bình cứ 100.000 người Việt thì có 23,2 người bị ung thư gan, thuộc nhóm nước mắc ung thư gan cao nhất thế giới.
Gần 85% bệnh nhân ung thư gan xảy ra ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo GLOBOCAN 2018, Việt Nam xếp trong nhóm những nước mắc ung thư gan cao nhất thế giới.
Tỷ lệ mắc bệnh là 23,2 trên 100.000 người ở cả hai giới. Trung Quốc cũng trong nhóm nước báo động trên bản đồ ung thư gan thế giới, với tỷ lệ 25,7 trong 100.000 dân.
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết ung thư gan là ung thư tế bào nguyên phát của gan. Ở nước ta ung thư gan thường gặp hàng đầu ở cả nam lẫn nữ, nguy cơ ở đàn ông gấp ba lần phụ nữ. Bệnh khó phát hiện sớm nên tỷ lệ chữa khỏi thấp.
Theo giáo sư Hùng, ung thư gan tiến triển thầm lặng. Sau đó xuất hiện các triệu chứng khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn như cảm giác ăn không ngon, khó tiêu, mệt, nặng ở dưới bờ sườn bên phải.
Bệnh nhân đến gặp bác sĩ thường khi bướu đã lan rộng. Các triệu chứng muộn là bụng trướng nước, không thèm ăn, mệt mỏi, vàng da.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội cho biết ung thư gan ở Việt Nam gia tăng nhanh và tỷ lệ tử vong cao là do chủng ngừa viêm gan B chưa đầy đủ, người dân chưa có ý thức tầm soát ung thư gan định kỳ, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao như nhiễm siêu vi viêm gan B, C, nghiện rượu, gia đình có người ung thư gan...
Cách phòng tránh
GS Hùng cho biết thêm, cứ khoảng 100 người bị ug thư gan thì 80 người do HBV và 20 người do HCV. Nhiễm aflatoxin do ăn loại nấm mốc trong các loại hột ẩm mốc như đậu phộng, bắp, gạo… độc nấm.
Do vậy, để phòng ung thư gan thì nên tránh xa tác nhân gây bệnh đó là vi rút viêm gan B và C, rượu và aflatoxin. Những tác nhân này liên thủ nhau lại đánh lá gan của chúng ta rất nhanh.
Hiện nay, đã có thuốc trị hiệu quả HBV và có vắc xin ngừa HBV. Nên tiêm chủng trẻ em thật sớm, mới sinh đến 1 tuổi. Ai cũng có thể tiêm chủng HBV được.
PGS Ngọc khuyên nên đi khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng. Nếu có vấn đề về sức khỏe gan như tăng men gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan... thì phải điều trị ngay. Những bệnh nhân có virus viêm gan B, C phải tích cực điều trị, nên đi tầm soát kiểm tra định kỳ 3-6 tháng một lần.