Đôi lúc, đôi nơi, chúng ta không tránh khỏi mà lặp lại đúng những vô tình, vô tâm ấy lên chính con mình vậy.
Bận bịu mấy thì bố mẹ cũng đừng quên sự ngóng đợi của các con mình trong ngày nhé!
Trẻ con. Ai cũng từng là trẻ con. Cũng từng bị tổn thương bởi chính bố mẹ mình. Thậm chí là những tổn thương đầu tiên và trước nhất.
Bởi đôi lần, chẳng thể tránh khỏi, những vô tình hay vô tâm của cha mẹ. Có người rồi sẽ lãng quên, có người vẫn không quên nhưng cũng không muốn nhớ.
Nhưng có những người không thể quên nổi, thành sẹo lồi vĩnh viễn trong tiềm thức. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái vì thế mà gần hoặc xa tuỳ theo độ tổn thương ít hay nhiều và tuỳ theo việc nhớ hay quên ấy.
Cho đến khi chúng ta trở thành cha mẹ. Cho đến khi ấy chúng ta mới hiểu thấu được những gì cha mẹ chúng ta đã từng trải qua.
Thường là chúng ta sẽ “cải tiến” cách dạy con từ nền tảng cha mẹ đã dạy mình thuở nhỏ. Sẽ không làm thế này với con, sẽ không làm thế kia với con.
Nhưng vẫn có đôi người, đôi lúc, đôi nơi, chúng ta không tránh khỏi mà lặp lại đúng những vô tình, vô tâm ấy lên chính con mình vậy.
Tôi vẫn luôn tự hỏi: Giáo dục liệu có phải là một quá trình lặp lại có cải tiến hay không? Mỗi khi mình làm tổn thương con mình giống như cha mẹ đã từng làm vậy với mình.
Vậy nếu như giáo dục là quá trình lặp lại, thế hệ sau là bản sao đã được nâng cấp từ thế hệ trước thì chính mỗi chúng ta cũng cần phải tốt hơn cha mẹ mình để hy vọng con cái mình sẽ tốt hơn mình.
Các thầy cô cũng vậy, phải trở thành những giáo viên tốt hơn cả những giáo viên đã từng dạy mình. Tôi nghĩ đó chính là việc phải làm. Để bớt đi những câu “ngày xưa tốt hơn bây giờ” hoặc “bao giờ cho tới ngày xưa”…
Hoàng Anh Tú