Thị sát tại khu vực mới phun thuốc diệt muỗi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ ra ngay cách diệt muỗi hiện nay chưa triệt để.
Sáng 20-8, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) tại địa bàn phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội).
Đây là một trong 12 quận, huyện có dịch sốt xuất huyết đang ở mức báo động đỏ của thành phố Hà Nội.
TS Vũ Đức Chính, Trưởng Khoa Ký sinh trùng và côn trùng của Viện Sốt rét và ký sinh trung TW cho biết, qua kiểm tra ngẫu nhiên do địa bàn này mới được phun hóa chất diệt muỗi nên các chuyên gia không bắt được muỗi.
Tuy nhiên, ông cùng các chuyên gia đi bắt muỗi của Viện đã phát hiện 5 ổ bọ gậy ở hai hộ gia đình trong ngõ 282 phố Thụy Khuê.
Mỗi ổ bọ gậy khoảng hơn 10 con một ổ, trong đó 4 ổ chứa muỗi aedes truyền bệnh sốt xuất huyết: tại lọ hoa cây phất lộc để góc cầu thang, sân thượng, phế thải, họng sàn thoát nước.
Sau khi quan sát, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đây là loại bọ gậy ở tuổi 3, khoảng vài ngày nữa sẽ nở thành muỗi. Do đó Bộ trưởng đề nghị sau 1 tuần tiếp tục phun lại để diệt nguồn muỗi phát sinh.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc phun thuốc giúp hạ nhiệt nguồn muỗi chứa vi rút lây truyền bệnh, nhưng để duy trì tốt vẫn là diệt bọ gậy, chính vì thế cần tăng cường phòng chống dịch một cách tổng thể, toàn diện.
Theo Bộ trưởng nếu không diệt bọ gậy đúng cách, hiệu quả, sẽ tiếp tục phát sinh các ổ mới.
Do đó, lực lượng chuyên môn sau một tuần cần tiếp tục phun hóa chất để diệt nguồn muỗi mới phát sinh.
Bộ trưởng Y tế đề nghị TP Hà Nội tập trung phun hóa chất diệt muỗi tại các nơi tập trung đông người như: chợ, phòng khám đa khoa, bệnh viện, rạp chiếu phim, nơi biểu diễn nghệ thuật…
Khi phun phải đề nghị người dân mở cửa để hóa chất vào nhà và tập huấn người phun phải phun theo chiều gió.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo công tác phun thuốc ở các khu vực tại Hà Nội đặc biệt các nơi có ổ dịch cần được tiến hành đều đặn hàng tuần, kết hợp với quá trình giám sát, xét nghiệm cả trước và sau khi phun.
Các cấp chính quyền địa phương cần liên tục thực hiện giám sát, lưu ý đến những khu vực như công trường xây dựng, khu nhà trọ thường có vệ sinh kém.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch, loại bỏ các tác nhân chứa bọ gậy bởi nếu chỉ ngành y tế và các ngành chức năng vào cuộc mà người dân không hợp tác thì hiệu quả không cao.
Bộ trưởng lưu ý người dân không nên hoang mang trước diễn biến của dịch bệnh sốt xuất huyết, mà cần tập chung và quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch từ chính hộ gia đình tiến tới cộng đồng, chỉ có như thế mới đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch.
Theo Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, hiện số ca mắc SXH tại Hà Nội không tăng lên trong 2 tuần vừa qua, vẫn ở khoảng 3.340 ca, nhưng biểu đồ dịch tễ sốt xuất huyết không có thay đổi.
Từ đầu tuần, Hà Nội đã tiến hành phân 3 mức độ vùng dịch tễ (đỏ, da cam, vàng), căn cứ trên số ca bệnh, tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân, mật độ muỗi, bọ gậy, phân lập virus...
Vòng đời của muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) như thế nào?
Trong môi trường phát triển thuận lợi, chỉ sau khoảng 10 - 15 ngày, từ trứng muỗi, sẽ phát triển thành bọ gậy, quăng, muỗi non và trở thành muỗi trưởng thành.
- Muỗi cái sau khi nở từ trứng chỉ từ khoảng 5 – 8 ngày sau đã trở thành muỗi trưởng thành và có thể hút máu (chích) người và tìm nơi đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước
- Sau từ 1 – 3 ngày, trứng sẽ nở thành bọ gậy, và từ bọ gậy để trở thành quăng thì cần khoảng 5 – 8 ngày
- Khoảng 2 – 3 ngày sau, con quăng sẽ thành muỗi non, và tiếp tục chu trình phát triển thành muỗi trưởng thành, đẻ trứng, trứng phát triển thành bọ gậy, quăng, muỗi.