Nhiếp ảnh gia là người có thể bắt được khoảnh khắc đẹp nhất, ấn tượng nhất. Mỗi tấm ảnh nói lên một thông điệp mạnh mẽ nhưng ít ai biết được câu chuyện hậu trường thú vị không kém.
Mặc dù nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ Elliott Erwitt từng nói: ‘Bức ảnh thay cho lời nói’, biết được câu chuyện đằng sau mỗi tấm ảnh sẽ giúp bạn hiểu hơn về ý đồ của người nghệ sỹ.
Gia Đình Mới xin gửi tới độc giả 9 bức ảnh nổi tiếng nhất mọi thời đại cùng câu chuyện hậu trường, chắc chắn sẽ làm bạn phải suy nghĩ.
1. Người đàn ông duy nhất khoanh tay
August Landmesser, chiến sỹ người Đức nhất quyết không chịu giơ tay chào trong một cuộc mít tinh của Đức Quốc xã đã được ghi lại trong bức ảnh nổi tiếng thế giới này.
Ông August gia nhập đảng Quốc xã vào năm 1931 nhưng sau đó 2 năm, ông gặp và yêu một người phụ nữ Do Thái tên là Irma Eckler và cầu hôn bà vào năm 1935.
Vì vậy, ông bị trục xuất khỏi đảng và không được đăng ký kết hôn.
Đó là lý do vào năm 1936, ông không giơ tay chào Hitle. Sau này, ông và gia đình cố gắng đi ra nước ngoài nhưng không thành và bị bắt vào trại tập trung.
Năm 1938, ông August gặp gia đình lần cuối. Sau khi sinh hạ người con thứ hai, bà Irma bị chuyển đến trại hành quyết và qua đời năm 1942 còn ông August mất tích trong khi làm nhiệm vụ ở Croatia năm 1944.
Hai người con gái của ông bà may mắn sống sót và một người đã thực hiện bộ phim tài liệu về gia đình mình.
2. Chiến tranh là địa ngục
Đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của nhiếp ảnh gia người Đức Horst Fass thực hiện năm 1965 trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Mãi đến năm 2012, người ta mới biết tên ông là Larry Wayne Chaffin đến từ St. Louis, Missouri.
Bức ảnh này được chụp khi ông 19 tuổi. Vợ ông, bà Fran Chaffin Morrison cho biết, ông gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống sau chiến tranh và qua đời khi mới 39 tuổi vì những biến chứng tiểu đường.
Trong chiến tranh, rất nhiều người lính viết các thông điệp hoặc vẽ graffiti lên mũ để thể hiện thái độ với những gì đang diễn ra.
‘Chiến tranh là địa ngục’ nằm trong bài phát biểu của chính trị gia William Tecumseh Sherman trước khóa tốt nghiệp của Học viện Quân sự Michigan.
3. Nụ hôn trong bạo loạn ở Vancouver
Được chụp bởi nhiếp ảnh gia Richard Lam, bức ảnh này gây chấn động thế giới và khiến hàng triệu người tự hỏi đây là nụ hôn say đắm của một cặp đôi bất chấp bạo loạn hay đã được sắp đặt từ trước.
Sau này, anh chàng Jones trong bức ảnh thừa nhận khi cảnh sát đánh ngã bạn gái anh, cô ấy vô cùng hoảng loạn nên anh quyết định hôn cô để làm cô bình tâm trở lại.
Dù lời giải thích này không lãng mạn như mong đợi, đây vẫn là một trong những bức ảnh đẹp nhất thời đại với thông điệp ‘Make love, not war’ (Tạm dịch: Hãy làm tình chứ đừng gây chiến tranh).
4. Bức ảnh cuối cùng của William 'Bill' Biggart
Ngay khi William 'Bill' Biggart, nhiếp ảnh gia 54 tuổi nghe tin về cuộc tấn công khủng bố Trung tâm Thương mại Thế giới, ông ngay lập tức đến hiện trường và ghi lại sự kiện này từ nhiều góc khác nhau.
Lúc 10 giờ sáng, khi vợ ông lo lắng gọi điện cho Biggart, ông bảo bà yên tâm vì ông đang ở một nơi an toàn cùng với những người lính cứu hỏa.
Vậy mà chỉ 20 phút sau, tòa tháp phía Bắc đổ sập lên người ông và phải đến 4 ngày sau, cơ thể ông cùng các thiết bị chụp ảnh mới được tìm thấy trong đống đổ nát.
Đây là bức ảnh cuối cùng của William 'Bill' Biggart, chụp vài giây trước khi tòa nhà đổ sập, tấm ảnh mà ông đã trả giá bằng cả sinh mạng.
5. Những đứa trẻ bám đầy bụi đen
Chùm ảnh ‘Những đứa trẻ bám đầy bụi đen: Lao động trẻ em ở Bangladesh’ được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia người Bangladesh Shehzad Noorani.
Anh tập trung vào những vấn đề xã hội ở các nước đang phát triển trong những tác phẩm của mình.
Ở ngoại ô Dhaka ngày trước đã từng có hàng trăm nhà máy và cơ sở tái chế pin. Lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, họ dành cả ngày tháo những bộ phận pin làm bằng kim loại hoặc có thể tái sử dụng.
Môi trường này vô cùng độc hại cho trẻ nhỏ vì chúng hít vào hàng triệu hạt bụi cacbon có thể dẫn đến viêm phổi và viêm mắt.
Tác giả chia sẻ: ‘Rất nhiều phụ nữ mang con đến chỗ làm vì họ không có lựa chọn nào khác.
Trẻ con chơi trong những khu vực ô nhiễm này cho đến khi mệt và ngủ thiếp đi. Điều đáng buồn là các em thậm chí phải làm việc để có cái ăn và chấp nhận bị bóc lột sức lao động’.
6. Jane Goodall
Trong bức ảnh được thực hiện bởi Hugo Van Lawick - nhà làm phim và nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã người Hà Lan, một chú tinh tinh nhỏ tên là Flint lần đầu tiên gặp Jane Goodall, nhà linh trưởng học nổi tiếng thế giới.
Để tránh làm cho mẹ của Flint nghi ngờ cũng như cho chú thấy bà không hề định hại chú, Goodall chỉ chìa mu bàn tay ra và cụp ngón tay lại.
Là một trong những nhà linh trưởng học thành công nhất thế giới, Goodall chính là nhà khoa học đã phát hiện tinh tinh có thể sử dụng công cụ như con người.
Bà cũng là một trường hợp đặc biệt khi không có bằng Đại học nhưng nhờ những nghiên cứu mang tính cách mạng cùng các cống hiến của mình, bà đã được theo học Tiến sỹ ở Đại học Newnham.
7. Ca ghép tim đầu tiên ở Phần Lan
Dù vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhà thờ, chính phủ và dư luận, bác sỹ Religa đã thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên ở Phần Lan năm 1987.
Sau 23 giờ đồng hồ liên tục chiến đấu vì mạng sống của bệnh nhân, ông và các bác sỹ cuối cùng đã có thể nghỉ ngơi một chút.
Trong ảnh, bác sỹ Religa đang theo dõi trái tim mới của bệnh nhân còn phụ tá của ông đang ngủ ở góc phòng mổ.
Năm 2009, bác sỹ Religa qua đời nhưng bệnh nhân của ông còn sống đến năm 2017, tức 30 năm sau ca phẫu thuật.
8. Yoina
Yoina là một đứa trẻ người dân tộc thiểu số Machiguenga. Em 11 tuổi, mồ côi cha và sống cùng dì ruột ở Công viên Quốc gia Manu, Peru.
Charlie Hamilton James, tác giả của bức ảnh kể lại, Yoina không mấy hào hứng với việc này, vì thế có thể thấy cô bé tỏ chút thái độ.
Theo một bài báo đăng trên National Geographic, cuộc sống của Yoina tồi tệ hơn sau khi bức ảnh được chụp: Mẹ em qua đời vài tháng sau sau khi sinh người con thứ 9 còn chú khỉ cô bé yêu thích chết một cách thảm khốc.