Mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần.
Tại hội nghị Khoa học Toàn Quốc lần thứ VII năm 2018 với chủ đề: “Phòng chống các bệnh không lây nhiễm” được tổ chức sáng ngày 25/10, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam cho biết, những năm gần đây, cùng với yêu cầu đổi mới toàn diện ngành y tế, vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chế độ dinh dưỡng, tỷ lệ người cao tuổi tăng và các dịch bệnh mới xuất hiện đã tạo ra những thách thức mới trong ngành y tế. Chúng ta đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế, dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các bệnh không lây nhiễm gây ra.
Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ bệnh tim mạch, đột quỵ ngày càng giảm do họ kiểm soát tốt và sớm còn ở Việt Nam tỷ lệ người mắc 2 căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng và trở thành nguyên nhân chính gây tử vong trong số các bệnh không lây nhiễm.
Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc và tập trung ở các bệnh như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính.
Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần – thường gặp nhất ở người cao tuổi là trầm cảm – sa sút trí tuệ là rối loạn nặng nề nhất, tỷ lệ trẻ em mắc tự kỷ hàng năm tăng; các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi.
Bên cạnh đó các bệnh không lây nhiễm còn gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu, mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhưng tình trạng gia tăng căn bệnh này tại Việt Nam vẫn ở mức báo động.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh: vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng.
Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (9,4gram/ngày). Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...
Để khống chế và đẩy lùi các bệnh không lây nhiễm, ngày 20/3/2015 Thủ tướng Chính Phủ đã Quyết định “Phê duyệt chiến lược quốc gia phòng chống bệnh ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015- 2025”.
Trong Quyết định đã đưa ra và mục tiêu chung là: Khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, tâm thần, nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Quyết định cũng nêu các mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu, các giải pháp thực hiện – đồng thời cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Y tế, các Bộ ngành và Chủ tịch UBND tỉnh thành phố thuộc Trung ương, bên cạnh đó Việt Nam cũng được Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật và quản lý các bệnh không lây nhiễm.