Biểu hiện cảm xúc ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng sức khỏe mỗi người

Theo quan niệm của Đông y Trung Quốc, cảm xúc ảnh hưởng rất nhiều đến mọi cơ quan trong cơ thể chúng ta.

Trong quan niệm y học cổ truyền, 5 trạng thái tâm lý vui mừng, tức giận, lo lắng, buồn rầu và sợ hãi có liên quan mật thiết đến hoạt động của nội tạng. 

Những trạng thái tâm lý đúng mức, không thái quá có tác dụng thúc đẩy hoạt động bình thường của các cơ quan nội tạng. Ngược lại, chức năng bình thường của các cơ quan nội tạng cũng tạo ra tâm trạng thoải mái, tích cực.

Theo quan điểm "hình thần hợp nhất" của Đông y, hệ thống nội tạng của cơ thể con người không chỉ đảm nhận chức năng sinh lý mà còn chi phối cảm xúc. Cảm xúc chính là một trong những biểu hiện hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể. 

Theo quan niệm của Đông y Trung Quốc: Hỷ thương Tâm, Nộ thương Can, Tư thương Tỳ, Bi thương Phế, Khủng thương Thận. Mỗi cảm xúc của chúng ta đều có ảnh hưởng nhất định đến các cơ quan nội tạng và sức khỏe tổng thể. 

Khi những cảm xúc trên biến động quá kịch liệt hoặc kéo dài quá lâu có thể gây nên bệnh tật.

1. Hỷ thương Tâm - vui mừng quá có hại cho tim

Vui mừng là một trạng thái tâm lý có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, vui mừng quá mức làm cho Tâm khí bị khuếch tán, khiến tâm thần không yên, nói cười không ngớt, bồn chồn mất ngủ.

Đông y Trung Quốc nhấn mạnh cần giữ tâm trạng lành mạnh, cân bằng, tuy vui mừng là cảm xúc tích cực nhưng không nên thái quá, từ đó giữ sự hài hòa giữa tinh thần, cảm xúc và cơ thể.

2. Nộ thương Can - tức giận có hại cho gan

Tức giận có thể làm cho gan bài tiết thất thường, khiến Can khí ngừng trệ và gây ra các bệnh về gan.

Tâm trạng bực bội khiến các hormone trong cơ thể bài tiết mất cân bằng, gây trở ngại cho tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho gan.

Theo y học hiện đại, khi tức giận, cơ thể sẽ bài tiết ra một loại chất gọi là “catecholamine” tác dụng với hệ thống thần kinh trung ương, làm cho đường huyết tăng cao, tăng cường axit béo phân giải, độc tố trong tế bào gan và huyết dịch cũng theo đó tăng lên.

3. Tư thương Tỳ - lo lắng có hại cho dạ dày

Hệ thống đường ruột vô cùng nhạy cảm, khi thần kinh căng thẳng, lo lắng quá mức sẽ khiến dạ dày tiết ra nhiều HCl, lượng axit dịch vị dư thừa này chính là nguyên nhân gây tổn thương lớp niêm mạc dạ dày, lâu dần dẫn đến viêm loét dạ dày.

Những xung động thần kinh mạnh từ não bộ có thể gây ra sự kích ứng thái quá ở dạ dày và đường ruột. Căng thẳng, lo lắng cũng là nguyên nhân gây nên bệnh viêm đại tràng co thắt.

Tâm trạng lo lắng cũng khiến bạn ăn uống kém, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa...

4. Bi thương Phế - nỗi buồn có hại cho phổi

Buồn rầu làm rối loạn dòng máu dẫn đến phổi và phế quản, làm mất sự nhịp nhàng trong trao đổi khí. Đó là một phần nguyên nhân dẫn tới bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và nhiều bệnh khác.

Giảm oxy máu còn gây ra các bệnh về da, táo bón, sút cân và làm bệnh trầm cảm trở nên nặng hơn.

5. Khủng thương Thận - sợ hãi có hại cho thận

Sợ hãi có thể làm suy yếu chức năng của thận, tuyến thượng thận và cơ quan sinh sản ở cả nam và nữ.

Sợ hãi sẽ khiến cơ thể mất khá nhiều nước. Để bù đắp vào lượng dịch đã mất, thận sẽ khởi động cơ chế tái hấp thu nước tiểu. Tuy nhiên trong nước tiểu có 2 độc tố là ure và creatinin, 2 muối hữu cơ gây phá hủy không hồi phục các tế bào thận dẫn tới tình trạng suy giảm chức năng thận và chức năng sinh dục.

Vì vậy, việc giữ tâm trạng và cảm xúc luôn ở trạng thái cân bằng, đúng mực có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì một sức khỏe tốt.

Lam/giadinhmoi.vn

Tin liên quan