Bệnh nhân đau đớn mắc chứng bệnh ‘không thể ra ánh sáng’ do uống thuốc bừa bãi

Sau khi khám ho, viêm họng, bệnh nhân được kê 5 loại thuốc. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, bệnh nhân ngứa rát mỗi khi ra nắng.

Ngày 20/11/2018, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân nam, 65 tuổi với triệu chứng nổi dát đỏ vùng da hở như đầu mặt cổ, cánh tay, cổ chân, ngứa nhiều, khó chịu khi ra nắng 10 ngày nay.

Trước 4 ngày mắc bệnh, bệnh nhân xuất hiện ho, đau họng đi khám tại phòng khám tư được kê 5 loại thuốc uống không có nhãn mác được chia thành từng liều uống, có cả thuốc viên tây và viên hoàn tán bột. Sau sử dụng thuốc, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng dát dỏ, ngứa nhiều vùng da hở.

Qua thăm khám và hỏi bệnh, bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc Hội chứng tăng nhạy cảm ánh sáng do thuốc.

BS. Trần Thị Huyền, khoa D2 - Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu - Đại học Y Hà Nội cho biết, Hội chứng tăng nhạy cảm ánh sáng do thuốc là bệnh thường gặp, điều trị chủ yếu là dừng sử dụng thuốc nghi ngờ, tránh ra nắng và sử dụng các kem bôi làm dịu da. Bệnh có thể tái phát nếu tiếp tục sử dụng lại thuốc.

Một điều đáng báo động là tình trạng dị ứng thuốc ở Việt Nam ngày một tăng do người dân tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh mà không có chỉ định của bác sĩ, không biết mình dùng thuốc gì, thậm chí sử dụng thuốc không có nhãn như bệnh nhân nêu trên. Điều này có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ gặp nhiều trường hợp bệnh nhân dị ứng thuốc nặng, gặp phải Hội chứng Lyell và hội chứng Steven-Johnson, đe dọa tính mạng người bệnh. 

Khi thuốc vào cơ thể, triệu chứng xuất hiện đầu tiên là ban đỏ, sau đó thương tổn da lan rộng khắp cơ thể, trợt da. Thương tổn niêm mạc gặp ở hầu hết bệnh nhân, với niêm mạc mắt có thể để lại các di chứng như sẹo, dính kết mạc, loét giác mạc.

"Có nhiều cơ quan bị ảnh hưởng trong SJS/TEN, hoại tử và trợt xảy ra ở cả kết mạc, khí quản, phế quản, thận, ruột. Các biểu hiện toàn thân khác có thể gặp như thiếu máu, giảm bạch cầu, viêm gan, đau bụng, tiêu chảy, tăng men gan thoáng qua, giảm albumin máu, giảm natri máu, viêm cơ tim"- BS. Huyền cho hay.

Để phòng ngừa dị ứng thuốc, BS. Huyền lưu ý bệnh nhân chỉ nên sử dụng thuốc khi thật cần thiết và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không dùng thuốc mất nhãn mác, thuốc đã chuyển màu, quá hạn sử dụng.

Khi thấy hiện tượng sốt, da bị kích ứng, nổi mẩn đỏ, hồi hộp, khó thở…, phải ngưng ngay việc dùng thuốc, đồng thời đến ngay cơ sở y tế và nhớ mang theo đơn thuốc, các loại thuốc đã dùng để bác sĩ biết, có phương pháp can thiệp phù hợp, hiệu quả.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan