Ngôi nhà Xanh LHQ (GOUNH) tại Việt Nam vừa được nhận Giải thưởng Công trình Xanh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Vậy ngôi nhà này có gì đặc biệt?
Ngôi nhà Xanh LHQ (GOUNH) tại Việt Nam đã được nhận giải thưởng Lãnh đạo trong Thiết kế và Vận hành Bền vững, hạng mục dành cho trụ sở của tổ chức, do Hội đồng Công trình Xanh Thế giới (WorldGBC) trao tặng trong Lễ trao Giải thưởng Công trình Xanh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương diễn ra tại Singapore hôm 6/9 vừa qua.
Đây là giải thưởng ghi nhận những công trình Xanh mang tính biểu tượng, khuyến khích những sáng tạo trong tương lai và những công ty dẫn đầu đang tạo ra những thay đổi tích cực cho một tương lai tốt đẹp hơn trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngôi nhà Xanh LHQ (GOUNH) được cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cắt băng khánh thành tháng 5/2015, vào thời điểm các cơ quan LHQ tại Việt Nam quyết định chuyển tới làm việc trong cùng một trụ sở, khi đó là một phần trong Sáng kiến Thống nhất Hành động.
LHQ tại Việt Nam là một trong những tổ chức đi đầu trong việc hiện thực hóa Một trụ sở LHQ trên toàn thế giới.
Tòa nhà mới được thiết kế với mục tiêu ứng phó với những thách thức môi trường mà Việt Nam đang phải đối mặt và giảm lượng khí thải các-bon và là biểu tượng của việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Ngoài ra, nhân viên LHQ làm việc ở đây cũng thực hiện các hành vi Xanh bằng cách giảm in ấn, thay thế các sản phẩm nhựa và sử dụng giao thông công cộng.
Tòa nhà xanh của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã được Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam cấp chứng chỉ Lotus (Sen Vàng).
Vườn hoa và cây xanh được thiết kế xung quanh ngôi nhà tạo thêm không gian xanh.
Hệ thống chắn tia tử ngoại được thiết kế gần cửa sổ, mặt trước và mặt sau ngôi nhà, góp phần hạn chế bức xạ mặt trời chiếu trực tiếp vào ngôi nhà giúp điều hòa không khí tốt hơn.
Hệ thống chắn tia tử ngoại được thiết kế gần cửa sổ, mặt trước và mặt sau ngôi nhà, góp phần hạn chế bức xạ mặt trời chiếu trực tiếp vào ngôi nhà giúp điều hòa không khí tốt hơn.
Tại phòng điều khiển năng lượng trung tâm, cán bộ quản lý có thể xác định mức độ tiêu thụ năng lượng tại từng vị trí, từ đó kịp thời điều chỉnh để sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất.
Đặc biệt, hệ thống đèn gần cửa sổ có thể tự điều chỉnh tăng hoặc giảm cường độ, phù hợp với ánh sáng tự nhiên bên ngoài.
Hệ thống chiếu sáng trong tòa nhà được sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, gắn cảm biến tự động bật, tắt.
Tòa nhà được thiết kế theo hướng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, hạn chế việc sử dụng đèn điện, giúp ngôi nhà có thể tiết kiệm được 25 - 35% lượng điện tiêu thụ cho việc chiếu sáng.
Hệ thống thu hồi nhiệt của tòa nhà sẽ làm nhiệm vụ thu hồi lượng khí lạnh đã sử dụng thải ra, sau đó tiếp tục làm lạnh và cấp khí lạnh tươi trở lại.
Dòng điện 1 chiều từ hệ thống điện năng lượng mặt trời được những bộ chuyển đổi này đưa sang dòng điện xoay chiều phục vụ cho tòa nhà.
Những tấm pin năng lượng mặt trời, với công suất thiết kế là 110 kWp, sẽ cung cấp khoảng 10% năng lượng tiêu thụ hàng năm của ngôi nhà. Đây cũng là hệ thống năng lượng mặt trời đầu tiên được nối lưới điện quốc gia.
Tòa nhà xanh Liên Hợp Quốc tại Việt Nam là ngôi nhà sử dụng năng lượng hiệu quả, thân thiện môi trường nhất trong khu vực. Đây là một công trình được cải tạo lại, tái sử dụng và tái chế cấu trúc của một tòa nhà cũ, nhằm tránh phá dỡ, giảm thiểu chi phí và phế thải.
(Nguồn ảnh: Tietkiemnangluong)