Con người lúc nào cũng có thứ gì đó để làm, để suy nghĩ họ yêu đời và sống tích cực hơn hẳn. Sự chủ động trong công việc luôn dẫn đến sự chủ động trong cuộc sống.
Lối sống căn cơ của người dân vùng nông nghiệp
Nơi tôi đang ở giống như một vùng quê đơn thuần của ngày xưa dù thời cuộc có những đan xen nho nhỏ. Ở đây không có công nghiệp, lâm nghiệp; còn nông nghiệp kiểu lẻ tẻ, tự phát. Có thể nói là đa số tự cung tự cấp.
Việc kiếm tiền không hề dễ dàng, nên việc chi tiêu rất cần đến những cân nhắc, tính toán. Nhưng rõ ràng, để sống và tồn tại, hẳn họ phải có rất nhiều bí kíp. Như gia đình tôi chẳng hạn, một lối sống căn cơ giúp ổn định trước rất nhiều biến cố.
Luôn có sự chủ động
Khi mùa hạ vẫn chang chang nắng, mạ đã chuẩn bị thật nhiều thứ sẵn sàng cho mùa mưa. Bởi mạ biết, bão, lụt và mưa dai dẳng kéo đến thật lâu nơi mảnh đất Quảng Trị này. Phải sẵn sàng cho những điều dự đoán để không phải bị động trong bất cứ tình thế nào.
Nhìn cái kho hàng mùa mưa của mạ tôi, bạn có thể hình dung ra đâu đó cách quản lý chi tiêu của một người thuộc thế hệ xưa cũ. Cái thẩu mắm cà mặn cất dưới cái sập lúa. Đùm măng khô treo tuốt trên cao. Đậu xanh, đậu đen, bắp hạt được bọc kỹ càng bằng nhiều lớp nilon.
Tất cả để những mùa khó khăn ập đến lại trở thành sự đủ đầy theo cách đơn giản nhất. Và ở cái tuổi 73, mạ vẫn tiếp tục cho những điều như thế.
Cuộc sống của người nông dân cứ lên sẵn những lịch trình, như gia đình tôi ít khi có chuyện “nước đến chân mới nhảy”. Trước khi mùa mưa bão đến, anh trai sẽ xem xét ngôi nhà, chằng lại mái, bít những lỗ nước mưa.
Lúa được bảo quản kỹ càng trong cái túi nilon để phòng khi nước lụt, vừa tránh hư hỏng, vừa dành được thời gian trong lúc con nước lên nhanh quanh nhà. Chị dâu tôi cũng theo lối sống đó. Khi ăn cam hay bưởi, vỏ được phơi khô để xông cho đàn heo tránh muỗi vào mùa hè. Mùa đông đến, heo vẫn no bữa nhờ mớ rau môn, rau khoai phơi khô trước đó.
Con người lúc nào cũng có thứ gì đó để làm, để suy nghĩ họ yêu đời và sống tích cực hơn hẳn. Sự chủ động trong công việc luôn dẫn đến sự chủ động trong cuộc sống. Có thể nói, chuẩn bị, lên kế hoạch là một bước quan trọng trong mọi hoàn cảnh để mọi thứ thật ổn. Ít nhất, những thiệt hại không đáng có sẽ được hạn chế.
Tận dụng, biến tấu những thứ có sẵn
Người dân vùng quê luôn có một lợi thế, đó là mảnh vườn, không gian rộng rãi. Cái sân trước nhà hứng nắng, phơi cá, phơi tép. Vườn cung cấp đủ rau trái để dùng. Và biết tận dụng những gì đang có trở thành một bí kíp quan trọng trong chi tiêu, trước tiên là vào việc ăn uống.
Mạ tôi có rất nhiều món ngon từ rau củ quanh nhà. Dưa môn, dưa măng hay cà mắm… những thứ luôn có sẵn. Mạ biến tấu những loại rau củ bình dị để trở thành món ăn nhớ mãi cho những đứa con. Gỏi hoa chuối rau răm hành tây, vả kho sả, mít luộc chấm ruốc, mớ canh rau tập tàng, và đặc biệt là món củ cải khô kho riềng sả. Củ cải mạ trồng vào mùa xuân, phơi khô vào mùa hè và bảo quản kỹ càng để đông tới sẽ mang ra dùng.
Bởi vậy, được ăn món ăn đó cũng trở thành một cung bậc cảm xúc đầy thú vị. Rõ ràng, những món ăn đơn giản mà ngon lành từ thức quà quanh vườn hẳn là một cách thức tiết kiệm dễ chịu nhất.
Mạ trồng sả sát mép hồ cá. Trồng môn ngọt nơi nước giếng chảy qua. Bụi riềng mọc tốt um nơi mép đất tiếp giáp nhà hàng xóm. Cứ thế, mọi khoảnh đất trong vườn đều tận dụng để trồng phù hợp cho từng loại cây. Có thể nói, chỉ cần có vườn thôi thì người nông dân còn rất ít thứ phải lo.
Có một phần mà người đời ít khi để ý. Thức ăn chính là thuốc khi đi qua cơ thể. Một vườn trồng hữu cơ mang lại sản phẩm lành thì đi kèm sau đó chính là phần sức khỏe được bảo đảm. Ăn những gì khu vườn dành đến cũng bớt đi rất nhiều tiền thuốc men điều trị cho bệnh tật mà những thức ăn độc hại có thể gây ra.
Ba thứ không bao giờ bị thiếu trong nhà
Mạ tôi có một nguyên tắc, trong nhà không bao giờ để thiếu ba thứ là: gạo, muối và chổi. Mạ luôn tâm niệm rằng chỉ cần có ba thứ đó thì sẽ sống sót, kể cả những lúc cực kỳ khó khăn. Mạ nói “gạo làm lương thực chính, muối làm thức ăn và có chổi để nhà luôn sạch sẽ”.
Ba điều này không chỉ với người làm nông, mà với bất kỳ ai cũng cần đến. Nhưng sẽ thuận lợi với những vùng trồng lúa, bởi một yếu tố được chủ động. Chỗ tôi không có những cánh đồng nhiều mẫu, nhưng nhà nào cũng có ít nhất vài sào lúa, đủ dùng quanh năm và cho đám lợn, gà. Khi chủ động được nguồn lương thực thì mọi điều sau đó sẽ dần dần được giải quyết. Kiểu như mọi người hay nói: “Tồn tại trước đã, những thứ khác tính sau”.
Mạ luôn mua muối để sẵn trong nhà. Có hồi không có tiền, mạ đổi gạo lấy muối. Bởi hoạt động nào trong ngôi nhà cũng cần đến muối. Muối làm mắm, ủ dưa, đánh răng súc miệng. Muối rang lên xay nhỏ để nêm nếm thức ăn. Muối dùng cho gội đầu, ngâm chân hay sát trùng vết thương. Muối không đơn thuần là một loại gia vị nữa.
Sau cuối là chổi. “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Nên cái chổi cũng trở nên quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như phần tinh thần cho mỗi người.
Tôi đồ rằng, đó là một bí kíp mà không phải ai cũng hiểu rõ để nắm giữ và thực hành nó, như mạ.
Mua những thứ tốt thay vì mua thứ rẻ tiền
Tôi là người không theo truyền thống của gia đình, nhưng tôi thấy rõ được rất nhiều những ưu điểm mà mạ, anh, chị tôi đang tận tưởng.
Họ yêu cuộc sống, yêu việc làm, yêu mảnh vườn và bước qua những khó khăn với nhiều vững chải. Sự siêng năng, chăm chỉ, chịu thương chịu khó đưa lại những bình yên cho tâm trí. Và rõ ràng, đó cũng là mục đích mà con người hướng tới.
Ngoài những thứ cơ bản như gạo, như muối như biến tấu, tận dụng, có một nguyên tắc khi mua sắm đồ đạc của tôi, đó là mua thứ tốt dù đắt thay vì rẻ mà đểu. Điều đó giúp tôi ít tốn thời gian cho việc mua sắm, không rối ren khi sắp xếp lại đồ đạc. Dùng những thứ tốt lúc nào cũng thấy an tâm. Và hơn hết, khi sắm một món đồ đắt tiền, bạn sẽ có tâm lý bảo quản nó tốt hơn.
Không quá đi vào chủ nghĩa mua sắm, nên tôi có nhiều thời gian hơn cho những sở thích của mình. Đọc sách, nghiên cứu tài liệu hay nấu ăn chính là những thứ giúp tôi cân bằng cơ thể trước áp lực cuộc sống, công việc.
Có thể nói, những trò giải trí lành mạnh cũng như những viên thuốc tinh thần hữu hiệu giúp chúng ta sống tốt đẹp hơn mỗi ngày. Đó là một trong những yếu tố gián tiếp để có cách tiêu dùng thông minh.
Xã hội ngày càng có nhiều biến động, ngoài khủng hoảng kinh tế thì đại dịch Covid là một ví dụ điển hình trong việc xoay chuyển thời cuộc. Tôi nghĩ rằng, để tồn tại trong thế giới mà không ai rõ điều gì sẽ đến vào ngày mai, hẳn chúng ta phải chuẩn bị kỹ càng từ bản thân trước.
Tự cung tự cấp, ít phụ thuộc nhất vào những biến động bên ngoài giúp mỗi người dễ dàng đứng vững trước mọi biến cố.
Không chỉ là thu nhập mà chi tiêu cũng rất quan trọng, không chỉ là vật chất mà tinh thần cũng cần nuôi dưỡng. Và lối sống căn cơ của mạ, của anh, của chị, của những người dân nơi vùng nông thôn như một cứu cánh dành đến cho tất cả chúng ta.
Người dự thi: Niên Lê (31 tuổi, Đà Nẵng)
Gia Đình Mới tổ chức cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY