Trong quá trình ăn uống thấy khó nuốt, mắc nghẹn ở cổ họng đừng nên chủ quan, cần cảnh giác 4 căn bệnh nguy hiểm dưới đây
1. Bị trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày có thể gây ra cảm giác như có dị vật trong cổ họng. Đây là bệnh về đường tiêu hóa phổ biến.
Trào ngược dạ dày thực quản khiến lượng axit dư thừa từ cơ quan tiêu hóa di chuyển lên thực quản và cổ họng. Ngoài cảm giác mắc nghẹn trong cổ họng, người bị bệnh này còn có thể cảm thấy tức ngực, đôi khi là cả đau bụng.
2. Viêm họng, viêm amidan
Viêm họng là tình trạng nhiễm trùng ở hầu họng cũng gây ra hiện tượng mắc nghẹn ở cổ họng.
Trong khi đó, amidan là hai hạch lympho nằm ở hai bên cổ họng, có khả năng tiêu diệt các virus và vi khuẩn gây nhiễm trùng. Khi lượng vi khuẩn xâm nhập quá lớn, amidan sẽ bị tổn thương và sưng tấy.
Viêm họng và viêm amidan thường có triệu chứng giống nhau, cùng gây ra tình trạng nuốt khó khăn. Cả hai bệnh đều có thể được cải thiện sau 7 – 10 ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu không được chữa đúng cách, bệnh có thể kéo dài và phát triển thành mạn tính, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan tai mũi họng.
3. Bị viêm tuyến giáp
Bệnh viêm tuyến giáp sẽ khiến bướu cổ to lên, tạo thành áp lực xung quanh cổ và gây ra cảm giác như có dị vật mắc kẹt trong cổ họng. Khi chạm vào cổ sẽ có cảm giác cứng và đau.
Ngoài ra, bệnh cường giáp còn khiến tính cách của bệnh nhân tay đổi, cảm thấy dễ cáu gắt, yếu ớt. Việc đi khám để phát hiện bệnh là rất quan trọng. Bệnh nhân không nên tự mua thuốc uống mà cần phải có sự chẩn đoán của bác sĩ.
4. Khối u thực quản
Trào ngược thực quản kéo dài, hút thuốc lá, uống rượu bia... có thể làm tổn thương thực quản, kích thích sự phát triển bất thường của các tế bào và hình thành khối u. Khi khối u lớn lên, không gian trong thực quản bị thu hẹp làm cổ họng có cảm giác bị vướng.
So với các bệnh lý trên, khối u thực quản có mức độ nghiêm trọng hơn và có thể để lại di chứng nếu không điều trị kịp thời.