3 thay đổi đáng chú ý về học bằng lái xe ô tô từ 15/6/2022

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT với nhiều thay đổi về việc học bằng lái xe ô tô từ ngày 15/6/2022.

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT với nhiều thay đổi về việc học bằng lái xe ô tô từ ngày 15/6/2022.

Tăng thời gian học thực hành lái xe ô tô trên đường

Có hiệu lực từ ngày 15/6/2022, Thông tư 04/2022/TT-BGTVT đã điều chỉnh lại thời gian học thực hành lái xe trong chương trình đào tạo lái xe ô tô đối với hạng B1, B2 và C như sau:

Tăng thời gian học thực hành lái xe ô tô trên đường.

Từ bảng trên, có thể thấy chương trình đào tạo tạo lái xe ô tô hạng B1, B2 và C đều được điều chỉnh tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông nhưng đồng thời cũng giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái để đảm bảo tổng số giờ học vẫn như trước đây.

Việc tăng thời gian học lái xe trên đường trường như trên được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng lái xe, giúp tài xế làm quen nhiều hơn đối với việc lái xe trên đường.

Lùi thời điểm học lái xe ô tô trên ca bin mô phỏng

Trước đó, Thông tư 01/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01/7/2022. Tuy nhiên, Thông tư 04/2022/TT-BGTVT đã lùi thời hạn này đến trước ngày 31/12/2022.

Lý do được đưa ra cho việc lùi thời điểm sử dụng ca bin mô phỏng trong chương trình đào tạo lái xe ô tô là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các cơ sở đào tạo lái xe gặp khó khăn về tài chính; từ đó, ảnh hưởng đến việc sản xuất, lắp ráp thiết bị và thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải.

Như vậy, chậm nhất là đến ngày 31/12/2022, các trung tâm đào tạo lái xe đều phải đưa nội dung học lái ô tô trên ca bin mô phỏng vào chương trình đào tạo.

Mỗi học viên học bằng B1, B2 và C sẽ được thực hành 3 giờ trên ca bin học lái tại trung tâm đào tạo lái xe, riêng trường hợp học nâng hạng thì chỉ cần học 01 giờ (nâng hạng từ B1 tự động số lên B1 thì không phải học).

Đây là một nội dung học mới đối tất cả học viên. Việc học lái xe ô tô trên ca bin mô phỏng sẽ bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như cách vận hành xe, thực hành lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch.

Tiếp đến học viên sẽ được thực hành bài tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình phức tạp hơn như đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong thành phố.

Trong quá trình thực hành, phần mềm mô phỏng sẽ đưa ra các cảnh báo khi lái xe điều khiển phương tiện sai làn, đi vào phần đường dành cho người đi bộ, khi không thắt dây an toàn, khi xảy ra tai nạn. Các diễn biến thời tiết như nắng, mưa,… cũng sẽ được tích hợp trong phần mềm này để người học có thể nâng cao được kỹ năng xử lý tình huống.

Học phí học bằng lái xe ô tô nhiều khả năng sẽ tăng

Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể mức thu học phí đào tạo lái xe ô tô mà sẽ do các cơ sở đào tạo lái xe xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng giấy phép lái xe chi tiết theo từng học phần rồi báo cáo Bộ chủ quản hoặc cơ quan được ủy quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền để theo dõi (theo khoản 4 Điều 2 Thông tư 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT).

Sắp tới đây, khi thực hiện yêu cầu đưa phần mềm ca bin mô phỏng vào giảng dạy và học tập, các trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải tự bỏ một khoản chi phí nhất định để đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị, bố trí lại phòng học, đào tạo chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy…

Chính bởi nguyên nhân này, nhiều khả năng học phí học bằng lái xe trong thời gian tới sẽ tăng. Mức tăng cụ thể sẽ tùy thuộc vào từng trung tâm đào tạo lái xe.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan