22 tháng Chạp là ngày Tam Nương, không làm lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày này

Nhiều người thắc mắc liệu có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp, tức là vào ngày 22 tháng Chạp được không.

 Ý nghĩa ngày ông Công ông Táo

Ông Công ông Táo có nguồn gốc từ ba vị thần: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Đạo giáo Trung Quốc, tuy nhiên trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ba vị thần này được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc. Dân gian hay gọi chung là ông Táo hoặc Táo quân.

Theo sự tích ông Công ông Táo, Táo quân là chức Ngọc Hoàng thượng đế trao cho ba người có mối tình thâm nghĩa nặng là nàng Thị Nhi và hai chàng Trọng Cao, Phạm Lang. Mỗi người một chức vụ khác nhau. Phạm Lang là Thổ Công trông coi việc bếp núc, Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà và Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa.

Có nên làm lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 22 tháng Chạp?

Hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp, người dân sẽ làm lễ cúng ông Công ông Táo về chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng về việc nhà cửa, bếp núc, việc tốt và việc xấu của gia chủ. Nghi lễ được thực hiện trọng thể bao gồm dâng lễ vật, thắp hương khấn vái, tạ lễ hóa vàng và cuối cùng là phóng sinh cá chép để Táo quân lên chầu trời.

Cúng ông Công ông Táo ngày 22 tháng Chạp được không?

Năm nay ngày 23 tháng Chạp vào thứ 2, cũng là ngày làm việc bình thường. Nhiều người thắc mắc liệu có thể cúng ông Công ông Táo vào ngày 22 tháng Chạp tức vào ngày Chủ nhật được không?

Tuy nhiên theo lịch vạn sự năm 2019, ngày 22 tháng Chạp là ngày Tam Nương, không thích hợp để tiến hành nghi lễ cúng ông Công ông Táo.

Hiểu theo ý nghĩa chiết tự, Tam Nương nghĩa là “ba bà”. Theo sử sách ghi lại, ba bà này là các bà Muội Hỷ, Đát Kỷ, Bao Tự. Ba bà chính là ba người dẫn đến sự sụp đổ của ba triều đại huy hoàng trong lịch sử Trung Quốc. Từ đó, người ta kiêng kỵ làm những việc trọng đại vào ngày sinh, ngày mất của ba bà này. Ngày Tam Nương trong tháng là các ngày 03, 07, 13, 18, 22, 27 âm lịch hàng tháng.

Như vậy ngày 22 tháng Chạp trùng vào ngày Tam Nương. Các gia đình không nên làm lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày này. Vì ngày Tam Nương thường gợi đến sự sụp đổ, điêu đứng, đau thương, trong khi lễ cúng ông Công ông Táo mang nhiều sự thành tâm và hi vọng về một năm mới an khang thịnh vượng.

Mâm lễ cúng ông Công ông Táo đủ đầy và tỉ mỉ.

Cúng ông Công ông Táo ngày nào đẹp?

Năm 2019, ngày cúng ông Công ông Táo lý tưởng nhất là đúng ngày 23 tháng Chạp. Các gia đình nhớ hoàn thành lễ cúng trước giờ Ngọ để Táo quân kịp lên báo cáo với Ngọc Hoàng về những sự việc xảy ra trong năm đó ở trần gian.

Ngoài nghi lễ khấn vái tại bàn thờ gia tiên, việc thả cá chép phóng sinh cũng nên được thực hiện trang nghiêm và cẩn thận. Không nên thả cá phóng sinh với tâm thế vội vàng, đại khái mà nên coi đó cũng quan trọng như nghi lễ cúng các vị thần.

Văn khấn cúng ông Công ông Táo

Mời bạn tham khảo thêm bài cúng ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam.

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Hồng Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan