Có lẽ nhiều bậc cha mẹ từng trải qua những tình huống khó xử khi con mình gào khóc, giẫy giụa ở cửa hàng đồ chơi, chỉ vì không được mua cho thêm một chiếc ô tô (dù ở nhà bé đã có cả một bộ sưu tập). Con đang hành động theo đúng lứa tuổi hay là dấu hiệu của tính ích kỷ?
Nếu những cử chỉ đó chỉ thi thoảng xảy ra, và bé vẫn còn nhỏ hơn 4 tuổi, bạn có thể bình tĩnh coi đó là phản ứng thông thường.
Tuy nhiên, nếu bé đã lớn hơn 4 tuổi hoặc bé thường xuyên gào khóc, ăn vạ khi không được làm theo ý mình, có thể bạn cần nghĩ vì sao những ‘cái sừng bướng bỉnh’ đang xuất hiện ở con mình?
Sau đây là 10 lỗi sai thông thường các bậc cha mẹ hay mắc phải, vô tình khuyến khích những hành vi ích kỷ và bướng bỉnh của con:
Hãy tưởng tượng: con bạn vừa ăn món tráng miệng là bánh kem chocolate, nhưng giờ lại đòi một ly kem ngọt nữa.
Bạn đang ở nhà hàng và ngay sau khi bạn nói ‘Không’, con trai bạn bắt đầu gào khóc vật vã như thể cả thế giới sụp đổ bên bàn ăn.
Tất cả ánh mắt của mọi khách hàng đang nhìn chằm chằm vào gia đình bạn như thể bố mẹ là thủ phạm số 1 gây ra sự ồn ào này.
Trong lúc đó bạn chưa kịp ăn, bạn không thể rời khỏi nhà hàng và về nhà để tránh những ánh mắt ‘phán xét’. ‘Ông con’ thì vẫn tiếp tục gào khóc bất chấp mọi lời giải thích của bố mẹ.
Cuối cùng, bạn đành order một món tráng miệng nữa, kem ngọt, đúng như yêu cầu của con để giữ cho con trật tự và bạn được ăn tiếp bữa ăn trong không khí hòa bình.
Tại sao đây là lỗi sai: bằng cách chấp nhận ‘đầu hàng’ trước đòi hỏi vô lý của con, đặc biệt là sau khi con khóc lóc, bạn đã khiến con nghĩ rằng cha mẹ sẽ chấp nhận mọi đòi hỏi, miễn là con gào khóc ‘đủ’.
Dần dần, bé sẽ hình thành ‘phản xạ có điều kiện’, nghĩa là cứ muốn có cái gì đó là gào khóc.
Chỉ cần 5/10 lần bé gào khóc và cha mẹ nhân nhượng là đủ để con hình thành một thói quen xấu. Con sẽ tiếp tục có những hành vi tiêu cực nhằm mục đích có được bất cứ cái gì mình muốn.
Là cha mẹ, chúng ta có bản năng tự nhiên là bảo vệ con khỏi những gì nguy hiểm, một số người làm tất cả những gì họ có thể để bảo vệ con.
Một số người trong chúng ta thậm chí còn bảo bọc con quá mức, gần như kiểu ‘cho con vào tủ kính’ để bảo vệ con khỏi bất cứ điều gì nguy hại.
Đây được gọi là kiểu ‘cha mẹ trực thăng’, tức là luôn luôn bên con, làm bất cứ điều gì để con không phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống thực.
Tại sao đây là lỗi sai: Phong cách làm cha mẹ này sẽ khiến con mất đi tính tự lập, không học hỏi được điều mới từ chính những sai lầm của con, không có kỹ năng giải quyết vấn đề.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tính ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, luôn luôn muốn người khác chăm sóc cho mình.
Nếu như con bạn thích vẽ và vẽ kín các mảng tường, sàn, bàn tiếp khách. Bạn đã nói rằng 'Nếu con còn vẽ, mẹ sẽ vứt hết bộ sáp màu của con’.
Con chọn cách tảng lờ lời nói của bạn và tiếp tục vẽ kín cả tường phòng khách.
Bạn thu hết sáp màu của con, nhưng cuối cùng cùng lại chấp nhận cho con tiếp tục các bức tranh tường chỉ vì quá mệt mỏi để đối phó với việc con khóc lóc, ăn vạ vì không được làm theo ý mình.
Tại sao đây là lỗi sai: Chắc chắn con đã phát hiện ra ‘Mẹ chỉ dọa thôi’.
Điều này khiến sau đó bạn rất khó khăn khi phải khép con vào kỷ luật vì con biết rằng mẹ không kiên quyết.
Bác sĩ nhi khoa Hansa Bhargava (USA) cho rằng: ‘Trẻ con có thể dễ dàng nhận ra sự khác nhau giữa ‘chỉ dọa’ và hình phạt thực sự. Chúng ta ai cũng yêu thương bọn trẻ, nhưng chúng ta muốn những điều tốt nhất cho con, vì vậy việc kiên quyết thực hiện điều gì đó là thực sự quan trọng – ngay cả khi đó là hình phạt’.
Bác sĩ Bhargava cũng cảnh báo các bậc cha mẹ, nếu việc làm này còn tiếp tục, con bạn thậm chí sẽ không còn coi bạn là người có trách nhiệm trong gia đình. Khi con lớn lên, đây sẽ là cách suy nghĩ vô cùng nguy hiểm.
Chúng ta ai cũng yêu thương con và cố gắng tạo cho con sự tự tin bằng cách tặng con các lời khen.
Chúng ta muốn con biết chúng có vị trí đặc biệt đến mức nào trong gia đình, thế nên mỗi việc nhỏ xíu con làm được (như bỏ cái đĩa bẩn của mình vào bồn rửa sau khi ăn) cũng được mọi người tán thưởng ồn ào.
Tại sao đây là lỗi sai: Không ai trong số chúng ta muốn nuôi dưỡng một đứa con vụ lợi, nhưng đôi khi vì quá yêu thương con, chúng ta làm quá những gì cần thiết.
Khen ngợi quá mức, cũng như bảo bọc quá mức, chính là tước mất cơ hội tự học hỏi, tự làm, tự quyết định của trẻ. Hãy nhớ rằng chúng ta là những bậc cha mẹ, chính chúng ta là người ‘điều khiển’ chương trình chứ không phải bọn trẻ.
Bạn gọi con bạn là ‘cục cưng’, ‘công chúa nhỏ’, ‘hoàng tử nhỏ’ và đáp ứng tất cả mọi nhu cầu, yêu cầu của con.
Bạn không ngại để ‘ông chủ nhỏ’ của mình thể hiện yêu sách và chỉ muốn bé cảm thấy hạnh phúc – dù cho đôi lúc bản thân cũng cảm thấy có gì đó không ổn.
Tại sao đây là lỗi sai: Con bạn cần sự yêu thương và chăm chút, nhưng cũng cần một người để đưa ra lời khuyên và sự hướng dẫn.
Một người sẽ trưởng thành hơn khi có cha mẹ hiểu biết, đáng tin cậy bên cạnh để tư vấn, vì vậy con bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi biết rằng bạn là ‘boss’ chứ không phải ngược lại.
Đã bao giờ bạn để cho con nói hoặc cư xử một cách vô lễ với mình?
Khi con cảm thấy buồn vì chuyện gì, có phải con sẽ hét, kéo tóc mẹ, đá vào gót chân bố, giằng lấy đồ vật từ người lớn?
Tại sao đây là lỗi sai: Bạn cần phải giúp con hiểu bạo lực không phải là cách giải quyết vấn đề và khuyến khích con biểu hiện cảm xúc theo cách phù hợp.
Ví dụ, con có thể nói: ‘Con thích chơi thêm một chút nữa. Con không thích về nhà bây giờ đâu mẹ’ nhưng không được phép hét lên và có thái độ vô lễ.
Một bé con đánh bố mẹ là việc không thể chấp nhận, sau này, nếu hành vi này không được uốn nắn, có thể bé lớn lên sẽ trở thành người hung hăng, hiếu chiến.
Bạn luôn nghĩ rằng con của bạn không làm gì sai và nhanh chóng tìm cách bảo vệ con bất cứ khi nào có người phàn nàn về bé.
Ví dụ cô giáo nói rằng con không tập trung học trong lớp, bạn sẽ nhanh chóng đổ lỗi rằng cô giáo dạy không hay, giảng bài không thú vị.
Hoặc nếu như con bạn mới 5 tuổi, bạn đi làm về và thấy con đang thử đập vỡ một đĩa DVD, bạn không ngăn con mà lại mắng mỏ người giúp việc vì đã không để mắt đến bé.
Tại sao đây là lỗi sai: Nếu như bạn nghĩ rằng con không làm gì sai, tất cả đều do lỗi của những người khác, thì điều này đôi khi lại lợi bất cập hại.
Con sẽ không bao giờ học được về khái niệm ‘nguyên nhân – kết quả’ và con có thể ‘vô can’ với mọi việc.
Khi trưởng thành, con có thể tiếp tục đổ lỗi cho những người khác, bất cứ khi nào có vấn đề không ổn trong cuộc sống và không bao giờ thừa nhận trách nhiệm của mình.
Bạn muốn trở thành ‘cha mẹ tuyệt vời’ và ‘làm bạn với con’ bất cứ khi nào có thể.
Bạn hành động như thể là ‘đồng bọn’ của con hơn là làm cha hoặc làm mẹ, hi vọng rằng vì thế con có thể gắn kết hơn với mình.
Tại sao đây là lỗi sai: Con bạn đã có đủ bạn bè để chơi đùa nghịch ngợm cùng rồi, điều mà bé thực sự cần là bạn là một người bạn lớn, thực sự có trách nhiệm và đủ khả năng để dạy con, hướng dẫn con phân biệt đúng sai, tốt xấu.
Nếu bạn đóng vai bạn bè với con, bạn sẽ khó lòng có thể thiết lập những quy định, giới hạn để giúp con có những hành vi đúng. Vai trò của cha mẹ giống với một người thầy, người huấn luyện viên nhiều hơn là bạn bè của con.
Khi con khóc lóc vô lý hoặc hành động vô lễ, bạn cố gắng ‘thanh minh’ cho thái độ đó bằng cách cho rằng con buồn ngủ quá, đói quá, buồn chán quá…
Bạn đưa ra những lý do này bất chấp thực tế là bé đã 7 tuổi mà vẫn còn nằm ăn vạ trên xe bus hoặc giữa sân bay chỉ vì thấy lâu quá chưa về đến nhà.
Tại sao đây là lỗi sai: Sau khi bé đã lên 4 tuổi, việc thường xuyên khóc lóc ăn vạ có thể coi là dấu hiệu cần quan tâm.
Khi trẻ càng lớn, bé càng phải trưởng thành và nhân cách. Đó là lý do mà bạn cần yêu cầu con thực hiện các hành động ‘có lý’ thay vì nhõng nhẽo kiểu trẻ con.
Cha mẹ càng trì hoãn điều này, thì những hành động vô lý của con sẽ tiếp tục tồi tệ hơn theo thời gian.
Nếu như con tiếp tục tranh giành đồ chơi với các bạn khi đã 5 tuổi, thậm chí 6 tuổi, bạn sẽ xử lý thế nào?
Bạn có chấp nhận hành vi đó của con và cho rằng ‘Trẻ con nó thế’. Hay là bạn có chút lo ngại về việc con sẽ lớn lên ích kỷ?
Tại sao đây là lỗi sai: Các nhà tâm lý đã chỉ ra rằng những đứa trẻ có tính sở hữu cao, chỉ nghĩ đến bản thân mình sẽ có nguy cơ tiếp tục tính cách đó khi trưởng thành.
Điều đó có nguyên do bởi:
Vì vậy, hãy cố gắng giúp con hình thành tính cách biết chia sẻ càng sớm càng tốt để con lớn lên hạnh phúc và thành công hơn.