10 mẹo shopping giúp chị em mua được trang phục ưng ý, tránh lãng phí tiền bạc

Dưới đây là một số mẹo mua sắm giúp chị em lựa chọn được trang phục ưng ý, giá thành hợp lý và không lãng phí tiền bạc.

1. Chú ý kích cỡ, độ thoải mái của đôi giày

Nhiều đôi giày trông rất thời trang nhưng không tốt cho chân bạn.

Khi mua giày, bạn hãy thử bẻ cong, vặn xoắn giày để kiểm tra độ linh hoạt của nó. Giày tốt phải có thể bẻ cong đế và có khả năng đàn hồi khi bị vặn.

Khi đi thử giày, bạn hãy đi lên cả bề mặt cứng và mặt thảm mềm để cảm nhận mức độ thoải mái.

Khi mua giày, bạn cần chú ý không chỉ chiều dài mà còn cả chiều rộng của giày.

Đảm bảo giày đủ rộng để có thể ngọ nguậy các ngón chân. Nếu không thể làm điều đó thì tức là đôi giày ấy quá chật với bạn.

2. Mua đồ len sợi nhiều lớp

Nếu bạn định mua một chiếc áo len, hãy kiểm tra số lớp sợi len.

Với len tốt như len cashmere, hầu hết sợi len đều có hai lớp, nghĩa là một sợi len to được tạo thành bởi hai sợi len nhỏ đan vào nhau.

Sợi len nhiều lớp sẽ chắc chắn, dày và bền hơn so với sợi một lớp.

3. Chú ý độ cân xứng của họa tiết

Với trang phục cao cấp, các họa tiết kẻ sọc, kẻ ngang hay kẻ caro thường cân xứng, thẳng hàng với nhau ở các phần đường nối và ống tay áo/ống quần.

Tuy nhiên các nhà sản xuất quần áo giá rẻ thường bỏ qua chi tiết này để giảm chi phí. Mà sự không cân xứng này khi mặc lên đồ có thể bị phóng đại và gây cảm giác lập dị.

4. Xem độ dài quần jeans

Khi chọn quần jeans cho nữ, độ dài quần phù hợp cần cân nhắc theo loại quần jeans.

Với quần lửng, gấu quần nên cao hơn một chút hoặc bằng mắt cá chân. Quần ống đứng nên che phần trên mu bàn chân.

Bạn nên chọn loại quần jeans phù hợp với dáng cơ thể.

Khi chọn quần jeans cho nam, nên chọn quần đủ dài để che tất nhưng không che cả giày.

5. Đánh giá chất lượng vải

Hãy xem xét nhãn mác khi mua hàng. Mặc dù vải tổng hợp rẻ hơn và thường được pha trộn với các vật liệu tự nhiên, nhưng nó không bền như vải tự nhiên nếu giặt nhiều lần.

Bạn hãy cầm tấm vải, soi trước ánh đèn để đánh giá trọng lượng và mật độ dệt của sợi vải.

Bạn cũng đừng quên kiểm tra các đường may ở cả mặt trong và mặt ngoài của trang phục. Nếu thấy đường may ẩu, lỏng lẻo hoặc may chồng nhiều lần thì chứng tỏ trang phục có chất lượng không tốt.

6. Đừng tin size trên nhãn mác

Dù trước đây đã có bảng kích cỡ tiêu chuẩn nhưng các thương hiệu thời nay đều phát triển hệ thống định cỡ riêng.

Vậy nên đừng chỉ nhìn vào số size trên nhãn mác, tốt nhất bạn hãy thử trang phục trước khi mua và chọn cái vừa vặn nhất.

7. Mặc trang phục thoải mái khi đi shopping

Ví dụ, khi mua giày, bạn nên  đi dép hoặc giày slip on để dễ cởi ra cởi vào khi thử giày.

Nhìn chung, bạn nên chọn trang phục thoải mái và mặc đồ lót phù hợp với loại trang phục bạn định mua và định thử.

8. Chọn thời điểm mua sắm trong năm

Một số loại trang phục sẽ có giá rẻ hơn ở một số thời điểm trong năm so với những thời điểm khác. Ví dụ, quần áo mùa đông thường giảm giá trong tháng giêng, còn quần áo hè thường rẻ hơn vào tháng 10.

9. Đợi trước khi quyết định mua hàng

Đừng vội mua món hàng bạn thích ngay lập tức. Bạn nên đợi khoảng 1 tuần sau khi nhìn thấy item đó trong cửa hàng. 

Thường thì sau khi qua quãng thời gian chờ đợi này, bạn sẽ nhận thấy mình không thực sự muốn mua nó và không quay lại nữa.

Theo các nhà  hoạch định tài chính, bạn không nên dành quá 5% thu nhập cho việc mua sắm quần áo.

10. Tính chi phí của mỗi lần sử dụng

Khi bạn phân vân giữa mua một trang phục đắt tiền với một món hàng tương đương giá rẻ hơn, bạn hãy thử nhẩm tính chi phí của mỗi lần sử dụng.

Chi phí này bằng tổng giá tiền sản phẩm và chi phí bảo dưỡng chia cho số lần bạn có thể sử dụng.

Theo đó, với những trang phục mang thường xuyên, tốt hơn bạn nên chọn loại có giá đắt hơn nhưng chất lượng cao hơn, vì sẽ sử dụng được lâu bền hơn.

Ngược lại, với những món không mặc thường xuyên, bạn có thể chọn loại giá rẻ.

(Theo Bright Side)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan