Liên tiếp ghi nhận vài nghìn ca mắc/ngày, đến ngày 20/8, số ca mắc COVID-19 của tỉnh này đã vượt số ca nhiễm ở TP.HCM.
Số ca mắc tiếp tục tăng
Theo số liệu từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ở Bình Dương, tính từ đợt dịch thứ 4, đến nay tỉnh Bình Dương ghi nhận 59.824 ca mắc COVID-19; 508 bệnh nhân tử vong.
Liên tiếp trong những ngày gần đây, số ca mắc của tỉnh mỗi ngày đều trung bình từ 2.500 - 3.500 ca mắc COVID-19, xếp thứ 2 cả nước sau TP.HCM.
Rêng ngày 20/8, tỉnh ghi nhận 4.223 ca mắc COVID-19, vượt gần 1.000 ca so với TP.HCM ( 3.375 ca). Trong ngày cũng có tới 41 ca tử vong. Đáng chú ý, số ca nhiễm trong cộng đồng rất cao.
Trong đó có 212 ca tại cơ sở y tế (chiếm 5,0%), 373 ca kết quả khẳng định PCR tại khu cách ly tạm thời (chiếm 8,8%), 1.414 ca tại khu phong tỏa (chiếm 33,5%) và 2.224 ca qua sàng lọc cộng đồng (chiếm 52,7%).
Theo địa bàn cư trú, TX.Tân Uyên 2.618 ca (tăng 47,7%), TX.Bến Cát 609 ca (giảm 27,2%), TP.Dĩ An 330 ca (tăng 205,6%), TP.Thủ Dầu Một 246 ca (tăng 106,7%), TP.Thuận An 221 ca (giảm 26,3%), huyện Bắc Tân Uyên 81 ca (tăng 113,2%), huyện Bàu Bàng 80 ca (giảm 45,5%), huyện Phú Giáo 31 ca (tăng 82,4%), huyện Dầu Tiếng 0 ca (giảm 100%)...
Hiện các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang điều trị 13.645 bệnh nhân, trong đó tầng 1 có 6.049 bệnh nhân, tầng 2 có 6.970 bệnh nhân và tầng 3 có 586 bệnh nhân.
Toàn tỉnh hiện có 1.204 khu vực phong tỏa với 121.963 người; 18.389 người đang cách ly tập trung; 6.872 trường hợp F1 cách ly tại nhà và 4.336 trường hợp F0 cách ly tại nhà.
Lý giải nguyên nhân những ngày qua số ca F0 trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng nhanh, TS. Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, đó là do tỉnh đang thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng đợt 2 trong cộng đồng.
Số ca mắc tăng cao khi tỉnh thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng chứng tỏ tỉnh đã đánh giá đúng nguy cơ dịch bệnh, rà soát đúng đối tượng, không để bị sót, lọt F0 trong cộng đồng. Nếu tỉnh tăng cường các biện pháp chống dịch mà không phát hiện được ca bệnh thì coi như các biện pháp chống dịch của tỉnh không hiệu quả.
Trong đợt xét nghiệm này, TP.Thuận An và TX.Tân Uyên là 2 địa phương có tỷ lệ ca F0 tăng cao. Vì vậy, trong những ngày tới số ca mắc trên địa bàn tỉnh sẽ có xu hướng gia tăng, thậm chí tăng đột biến.
Tỉnh dự báo nếu tỷ lệ mắc ở ngưỡng trung bình thì giải pháp tối ưu là đưa F0 đi cách ly tập trung, phong tỏa chặt "vùng vàng", "vùng đỏ" kết hợp với thiết chế cách ly tập trung tại nhà đối với toàn bộ người dân ở ổ dịch đỏ, đặc biệt ở các khu nhà trọ công nhân có tỷ lệ F0 cao.
Để tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, giao Đảng bộ, chính quyền TP.Thuận An, TX.Tân Uyên triển khai thực hiện "khóa chặt, đông cứng" ngay các khu dân cư đậm đặc F0 ở 04 phường của TP.Thuận An (Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa) và 07 phường của TX.Tân Uyên (Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Hiệp) trong vòng 15 ngày để thực hiện xét nghiệm sàng lọc nhanh tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Thời gian triển khai thực hiện bắt đầu từ ngày 22/8/2021 theo nguyên tắc khóa chặt 24/24 giờ không cho người dân ra khỏi nhà "ai ở đâu ở yên đó", cách ly tuyệt đối "người cách ly người, nhà cách ly nhà,…", chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ mới ra đường và tiếp cận với người dân. Tuy nhiên, trong 11 phường cũng có nhà xanh, điểm xanh các địa phương phải có phương án tổ chức khóa chặt những nhà, điểm này để bảo vệ.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội người được Bộ Y tế cử vào Bình Dương hỗ trợ công tác điều trị cho rằng, hệ thống điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng” của tỉnh đang đi đúng hướng.
Tuy nhiên, cũng còn vô vàn khó khăn ở trước mắt, không thể chủ quan. “Năng lực điều trị của Bình Dương đang gặp áp lực rất lớn. Hệ thống y tế Bình Dương đang bị quá tải. Chúng tôi đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để người dân được khám, chữa bệnh kịp thời. Các phương án đã, đang được triển khai. Như mở rộng hệ thống bệnh viện dã chiến. Tập trung nhân lực cho điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện thuộc tầng 2. Đưa vào sử dụng bệnh viện hồi sức cấp cứu ở tầng 3 – tầng điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch”- PGS Hiếu nói.
Hiện nay, với sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và các nhà mạnh thường quân, Bình Dương không thiếu thuốc điều trị và trang thiết bị y tế. Hệ thống điều trị của tỉnh phải tiếp tục củng cố vững chắc ở tầng 1 và tầng 2. Nỗ lực giảm thiểu các ca tử vong. Mỗi huyện, thị, thành phố phải là 1 pháo đài chống dịch.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đánh giá, với nỗ lực của các thầy thuốc y tế tuyến huyện – những bệnh viện ở tầng 2 trong tháp điều trị 3 tầng như theo dõi sát bệnh nhân, phát hiện sớm các triệu chứng trở nặng đặc biệt thiếu oxy máu thầm lặng sẽ hạn chế rất nhiều các ca tử vong ở tầng 2, giảm gánh nặng cho tuyến trên.
“Thầy thuốc tuyến tỉnh và của Trung ương tăng cường về sẽ có thời gian, sức lực tập trung điều trị bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh lý nền ở tầng 3”- PGS Hiếu chia sẻ.
Trong buổi làm việc mới đây với hệ thống điều trị của tỉnh Bình Dương, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế Bình Dương thực hiện tốt việc tổ chức, quản lý và điều hành hệ thống điều trị trong tỉnh phải liên thông, kết nối chặt chẽ.
“Không để bệnh nhân không được tiếp cận y tế. Phải tạo ra hệ thống y tế ở tầng 1 và tầng 2 thật vững chắc. Tiếp cận sớm – phát hiện sớm – điều trị tốt” – PGS. TS Lương Ngọc Khuê yêu cầu.