Tính tới hết ngày 11/8, trong đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 32.787 ca mắc COVID-19. Đã có tới 220 người tử vong vì COVID-19, gần 600 người có diễn biến nặng trong tổng số hơn 10.400 bệnh nhân đang điều trị tại các BV.
Thông tin về tình hình điều trị các bệnh nhân COVID-19, TS.BS Văn Quang Tân, GĐ BV Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều bệnh nhân diễn tiến bệnh nhanh quá, do đó cùng với các biện pháp khống chế, Bình Dương tích cực điều trị các ca bệnh có chuyển biến nặng.
Tỉnh Bình Dương đầu tư nhanh cho cơ sở giường bệnh, phương tiện kỹ thuật, máy móc thiết bị và cả con người để giảm tối đa ca nguy kịch, tử vong.
Tất cả các y bác sĩ phải tập trung cao cho công tác điều trị, nhất là người có triệu chứng. Các thầy thuốc trong cả nước cũng đã chi viện lực lượng hùng hậu cho Bình Dương nên việc điều trị đang được đẩy mạnh.
Ở các Trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố cũng đã điều trị. Còn riêng BVĐK Bình Dương tập trung các ca bệnh nặng, rất nặng và nguy kịch. Là tuyến cuối điều trị COVID-19 ở Bình Dương, nên tại đây có rất nhiều bệnh nhân phải thở oxy, máy thở.
Riêng khu điều trị COVID-19 của BVĐK Bình Dương hiện có 620 bệnh nhân, bao gồm tất cả các ca có bệnh nền, có người chưa chuyển biến nặng, có cả em bé. Trong số đó có khoảng 250 người phải thở oxy, thở máy.
TS.BS Văn Quang Tân cũng cho biết, hệ thống y tế Bình Dương cũng thực hiện việc kết nối hệ thống Telehealth để cứu chữa bệnh nhân COVID-19. "Bộ Y tế đã chỉ đạo các BV trực thuộc Bộ hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Điển hình như kết nối các BV lớn ở Hà Nội, Thừa Thiện-Huế; BV Chợ Rẫy…
Có trường hợp nặng là chúng tôi hội chẩn ngay qua trực tuyến. Các chuyên gia hàng đầu, nhiều kinh nghiệm đã tư vấn đưa ra các phác đồ điều trị hiệu quả nhất", BS Tân cho hay.
Các đơn vị thu dung, điều trị COVID-19 khác ở Bình Dương cũng đã bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin và đường truyền đầy đủ để sẵn sàng cho việc hội chẩn trực tuyến, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn giỏi để điều trị các ca bệnh COVID-19 luôn được bổ sung.
Ngày 11/8, UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phân bổ thêm 1 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19.
Số vắc xin mà Bình Dương được phân bổ hiện tại là hơn 544.000 liều, số vắc xin này chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu.
Toàn tỉnh Bình Dương có gần 30 khu công nghiệp đang hoạt động, nhưng đến ngày 8/8 mới có một vài khu công nghiệp bắt đầu triển khai tiêm vắc xin cho công nhân. Số vắc-xin không đủ để tiêm cho công nhân tại các công ty 3 tại chỗ.
UBND tỉnh Bình Dương cũng đã gửi đề nghị tới Bộ Y tế về phân bổ vắc xin để tiêm cho công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo đủ lao động để sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng cho cả nước và toàn cầu.
V.LinhBạn đang xem bài viết Gần 33.000 ca nhiễm, 220 người qua đời, Bình Dương thay đổi chiến lược chống COVID-19 tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].