Cha mẹ đôi khi bối rối trước những biểu hiện này của trẻ. Nếu bạn từng ở trong tình huống đó, hãy thử 8 cách sau để hỗ trợ bé định hình đúng giới tính của mình.
1. Đừng vội vàng kết luận
Ellen Braaten, Tiến sĩ – Giám đốc của Chương trình nghiên cứu về học tập và cảm xúc tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) cho rằng: ‘Vào những năm đầu đời, trẻ em thường thử nghiệm những vai trò giới tính khác nhau và khám phá xem là một cậu bé hay một cô bé nghĩa là thế nào’.
‘Đó là điều bình thường trong quá trình phát triển, tình trạng đó diễn ra ở nhiều trẻ trong quá trình lớn lên’ – Tiến sĩ Ellen nhận xét.
Như vậy, khác với những khuôn mẫu về giới tính do xã hội định sẵn, bé trai vẫn có thể thích mầu hồng còn bé gái thích những nhân vật hoạt hình đầy nam tính.
Đừng định sẵn trong đầu rằng cứ có những biểu hiện đó thì lớn lên con bạn sẽ trở thành người đồng tính.
2. Thu thập thông tin càng nhiều càng tốt
Cheryl Kilodavis, tác giả nhiều cuốn sách dành cho trẻ em người Mỹ, cho rằng cha mẹ cần tìm hiểu càng nhiều càng tốt về lý do tại sao con bạn có mong muốn phá vỡ khuôn mẫu giới tính của mình.
Hãy nói chuyện với giáo viên của con, bác sĩ nhi khoa, các bậc cha mẹ khác.
Cha mẹ cũng cần tìm kiếm thông tin có định hướng theo đề tài này.
‘Bạn càng học nhiều, bạn sẽ càng hiểu nhiều hơn về việc con mình sẽ phát triển như thế nào’ - Kilodavis nói – ‘Hiểu biết thực sự là sức mạnh’.
3. Đừng áp những suy nghĩ của người lớn vào đầu óc con trẻ
Ken Corbett, Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ, nói: ‘Bọn trẻ rất sáng tạo và chúng luôn giao động giữa những gì kỳ ảo và đời thực, một cách rất dễ dàng’.
‘Nếu bạn luôn luôn nhìn nhận mọi việc theo khía cạnh thực tế, bạn có thể không đồng điệu với những suy nghĩ của con’ – Ken Corbett nói.
Bạn cũng có thể bỏ lỡ điều mà con muốn nói với bạn.
Ví dụ, một bé gái nói sau này muốn trở thành cảnh sát, đơn giản chỉ vì bé muốn có một con chó giống mấy nhân viên an ninh. Còn một bé trai muốn đóng vai ‘mommy’ trong trò chơi gia đình bởi vì bé không có nhiều cơ hội để chăm sóc, chịu trách nhiệm.
Chơi với bọn trẻ thật nhiều, bạn có thể sẽ cảm thấy ngạc nhiên về những điều các con thực sự mơ ước.
4. Tìm nguyên nhân gốc rễ
Trẻ muốn ‘diễn’ vai trò khác so với giới tính bẩm sinh không phải là một chuyện cần ‘chữa trị’.
Thay vào đó, cha mẹ cần xác định những suy nghĩ của bọn trẻ về tình huống này.
‘Đầu tiên tôi đã cố gắng kiểm soát con, nhưng sau đó tôi hiểu rằng mình cần phải chấp nhận con hơn là cố gắng bắt con trở thành mẫu người khiến mình cảm thấy thoải mái’ – một bà mẹ có con trai thích mặc quần áo công chúa cho biết.
Nếu bạn và người bạn đời của bạn có những quan điểm khác nhau về vấn đề này, hãy cùng trao đổi thẳng thắn. Nên xem xét đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý, bác sĩ về lĩnh vực này.
5. Cố gắng tìm cách ‘trung lập’
Những đứa trẻ có biểu hiện khác biệt về giới tính có thể là đối tượng bị trêu chọc, vì vậy, việc trẻ biết rằng cha mẹ luôn luôn yêu thương bé là rất cần thiết.
Cảm thấy được yêu thương giúp bé luôn ở một tâm thế an toàn, trong khi bé hành động khác với mong đợi của mọi người. Trẻ thường dễ hồi phục và mạnh mẽ hơn nếu cha mẹ ở bên.
Tuy nhiên, hỗ trợ không có nghĩa là khuyến khích thái quá.
Một bé trai thỉnh thoảng muốn thử đôi giầy cao gót của mẹ không có nghĩa là bà mẹ nên chạy ra ngoài và mua cho con một bộ đồ công chúa. Cha mẹ không nên ngăn cấm những việc làm khác với giới tính bẩm sinh của con, những cũng không cần thiết khuyến khích.
Hãy luôn luôn tìm một vị trí trung lập.
6. Chuẩn bị trước về những điều con sẽ đối diện
Nếu như con bạn muốn thể hiện giới tính trái ngược với khuôn mẫu (ví dụ bé gái thể hiện như bé trai còn bé trai thể hiện như bé gái), hãy nói với trẻ những phải ứng mà bé có thể gặp phải.
Hãy giải thích cho con, nếu con là con trai nhưng lại muốn diện đồ như chuột gái Minnie, một số bạn có thể cảm thấy lạ, buồn cười…
Nếu con vẫn khăng khăng làm theo ý mình, ít nhất bé cũng biết được hành động đó sẽ sảnh hưởng như thế nào đến người khác và bản thân bé.
Giải thích bằng từ ngữ dễ hiểu những vấn đề có thể gặp phải là rất quan trọng để giúp trẻ không bị tổn thương.
7. Xem xét việc gặp chuyên gia
Đa số các trẻ từng trải nghiệm giới tính khác so với giới tính bẩm sinh của bé không cần đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, có một vài dấu hiệu cảnh báo rằng con của bạn cần đến gặp chuyên gia.
Nếu như con bạn tỏ ra sợ sệt, buồn, giận dữ nhiều hơn thường lệ, hoặc bé bắt đầu thoái thác không muốn đến trường, không muốn đi ra ngoài chơi… đó có thể là dấu hiệu bé bị bắt nạt ở trường do vấn đề giới tính.
Bé cũng có thể đang phân vân về việc tại sao những người khác không chấp nhận những biểu hiện của bé.
Một chuyên gia tâm lý có thể giúp trẻ học cách làm thế nào để đối phó với các vấn đề này.
8. Hãy luôn nhớ: Bạn không đơn độc
Bạn không phải cố gắng vật lộn với vấn đề giới tính của con trong im lặng.
Một đứa trẻ có những lựa chọn khác với khuôn mẫu giới tính thông thường là chuyện không có gì đặc biệt, do đó sẽ có rất nhiều bố mẹ đang phải đối phó với tình huống tương tự.
Các chuyên gia khẳng định rằng khi bạn chia sẻ bí mật này, bạn sẽ nhận ra rằng điều đó không có gì đáng xấu hổ, vô số bậc cha mẹ trên thế giới đều đang có vấn đề tương tự.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết 8 cách giúp trẻ định hình giới tính rõ ràng ngay từ khi còn bé tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].