Dự thảo luật về hôn nhân đồng giới sẽ sớm được trình lên Quốc hội nước này và hứa hẹn sẽ mang đến nhiều chuyển biến tích cực cho cộng đồng LGBTQ+ tại Úc.
Trong suốt 8 tuần qua, câu hỏi được trưng cầu là: 'Pháp luật có nên thay đổi để cho phép các cặp đôi cùng giới kết hôn'.
Sau khi chính phủ bắt đầu thực hiện cuộc khảo sát toàn quốc bằng cách gửi thư tay đến từng người dân, hơn 12,7 triệu người - chiếm khoảng 79,5% người bầu cử hợp lệ trên khắp nước Úc - đã tham gia cuộc khảo sát này.
Người đứng đầu Sở Thống kê Úc David Kalisch ngày 15 tháng 11 công bố kết quả: có 61.6% câu trả lời Yes (Đồng ý)'.
Mặc dù đây mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình bỏ phiếu về việc liệu nước Úc có chấp nhận hôn nhân đồng giới nhưng kết quả với đa số ủng hộ cũng đủ để nhiều người dân Úc vui mừng đến trào nước mắt.
Trong tòa nhà Quốc hội Úc, lãnh tụ đảng Đối lập ở Thượng viện Penny Wong xúc động rơi lệ. Ngay cả những chính trị gia từng có lập trường đối lập cũng thể hiện thái độ chấp nhận kết quả này.
Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết kết quả đáng mừng này sẽ mở đường cho chính phủ thay đổi dự thảo luật và trình lên Quốc hội trước dịp Giáng sinh.
'Người dân Úc đã bình chọn đồng ý cho hôn nhân đồng giới', ông phát biểu trong một tuyên bố khi kết quả được công bố.
'Họ đã bình chọn cho sự công bằng, cho sự gắn kết và cho tình yêu. Giờ mọi điều sẽ phụ thuộc vào chúng tôi tại Quốc hội Úc để có thể thực hiện phần còn lại'.
Những người ủng hộ bắt đầu ăn mừng kết quả tại những nơi công cộng trên khắp nước Úc vào hôm nay. Họ mang theo những lá cờ cầu vồng, ca hát và nhảy múa.
'Đây là một kết quả đáng mong đợi và chúng tôi tự hào về đất nước mình', giám đốc điều hành của Qantas, ông Alan Joyce cho biết. Ông cũng là một người ủng hộ hôn nhân cùng giới tại quốc gia này.
Không khí vui mừng của người dân Úc
LGBTQ+ không còn là một đề tài mới mẻ đối với xã hội ngày nay. Việc hợp thức hóa hôn nhân đồng giới dường như là một mong muốn chính đáng mà người dân ở bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn đạt được.
Cùng Gia Đình Mới điểm lại một số quốc gia/vùng lãnh thổ đã hợp thức hóa hôn nhân đồng giới trên thế giới:
1. Hà Lan
Vào ngày 1/4/2001, Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép người đồng tính kết hôn và nhận con nuôi.
2. Bỉ
Các cặp đồng tính ở Bỉ hầu như có những quyền tương tự như các cặp vợ chồng bình thường.
Các cặp đồng tính Bỉ có quyền kết hôn hợp pháp vào năm 2003 và đến năm 2006 Quốc hội Bỉ thông qua luật cho phép họ nhận con nuôi.
3. Tây Ban Nha
Vào năm 2005, Tây Ban Nha trở thành thành viên thứ ba của Liên minh châu Âu thông qua một dự luật cho phép kết hôn đồng tính.
Các cặp đồng tính nam hoặc nữ có quyền nhận con nuôi dù cho họ có kết hôn hay không kết hôn.
4. Canada
Canada áp dụng luật cho phép kết hôn đồng tính và nhận con nuôi kể từ tháng 7/2005.
Trước đó, một số địa phương ở nước này đã công nhận một số quyền cho những người đồng tính.
5. Nam Phi
Nam Phi là quốc gia đầu tiên ở châu Phi công nhận các quyền của người đồng tính, sau đó hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và cho phép các cặp đồng tính nhận con nuôi kể từ tháng 11/2006.
6. Na Uy
Một dự luật cho phép người đồng tính kết hôn và nhận con nuôi được thông qua vào năm 2009.
Tuy nhiên, nước này đã công nhận nhiều quyền cho người đồng tính 20 năm trước đó.
7. Thụy Điển
Các cặp đồng tính được phép kết hôn kể từ tháng 5/2009.
8. Bồ Đào Nha
Theo luật Hôn nhân sửa đổi của Bồ Đào Nha được thông qua hồi năm 2010, nước này cho phép kết hôn đồng tính, nhưng không cho phép các cặp đồng tính nhận con nuôi.
9. Iceland
Thủ tướng Iceland, bà Johanna Sigurdardottir kết hôn với người đồng tính vào tháng 6/2010 ngay khi luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính bắt đầu có hiệu lực.
Những cặp đồng tính ở Iceland phải chung sống với nhau ít nhất 5 năm mới có quyền nhận con nuôi.
10. Argentina
Argentina là quốc gia đầu tiên ở Nam Mỹ cho phép các cặp đồng tính kết hôn và nhận con nuôi sau khi luật về hôn nhân đồng tính được thông qua vào ngày 14/7/2010.
11. Đan Mạch
Kể từ năm 1989, Đan Mạch đã công nhận một số quyền của người đồng tính. Nhưng đến tháng 6/2012, nước này mới thông qua luật cho phép kết hôn đồng tính.
12. Uruguay
Trong tháng 4/2013, Uruguay đã bỏ phiếu thông qua luật cho phép các cặp đồng tính kết hôn, trở thành quốc gia thứ hai ở Nam Mỹ sau Argentina hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
13. New Zealand
Ngày 17/4/2013, New Zealand trở thành quốc gia thứ 13 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, sau khi Quốc hội nước này thông qua dự luật cho phép các cặp đồng tính kết hôn với 77 phiếu thuận và 44 phiếu chống.
14. Pháp
Vào ngày 23/4/2013, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thông qua dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và cho phép các cặp đồng tính nam và nữ xin con nuôi, với 331 phiếu thuận và 225 phiếu chống.
Pháp trở thành quốc gia thứ 14 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
15. Mỹ, Mexico và Brazil
Tại ba nước này, chỉ có một số bang cho phép các cặp đồng tính kết hôn.
16. Phần Lan
Năm 2015, quốc hội nước này đã thông qua luật hôn nhân sửa đổi cho phép các cặp đồng tính kết hôn với 105 phiếu thuận và 92 phiếu chống.
17. Luxembourg
Năm 2014, với số phiếu thuận áp đảo 54/6, đất nước này đã thông qua dự luật mở rộng quyền tự do kết hôn với các cặp đồng tính.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettle là lãnh đạo đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) kết hôn với người tình đồng giới.
18. Đức
Năm 2017, Nước Đức đã thông qua dự thảo luật hôn nhân đồng tính, trao quyền kết hôn cho các cặp đồng tính nam và đồng tính nữ dưới sự bảo vệ của pháp luật.
Theo dự kiến, điều luật này có thể có hiệu lực trước cuối năm 2017.
19. Malta
Ngày 18/7/2017, đảo quốc Malta với phần lớn người dân theo Công giáo đã chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
20. Đài Loan
Ngày 24/5/2017, Đài Loan trở thành vùng lãnh thổ châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.
LamBạn đang xem bài viết Người dân Úc đồng tình với việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].