7 mẹo giúp con yêu thích thể thao ngay ở tuổi mầm non

Yêu một môn thể thao sẽ dạy cho trẻ những kỹ năng sống quan trọng: kỷ luật, có ý chí và tinh thần làm việc nhóm. Cha mẹ có thể giúp trẻ hào hứng với các môn thể thao ngay từ khi còn nhỏ với 7 mẹo sau đây.

Slide3

Cha mẹ biết cách định hướng sẽ giúp con say mê thể thao, thay vì ngồi cả ngày với TV và smartphone 

1. Phát triển các kỹ năng cơ bản

Hầu hết các bé ở lứa tuổi mầm non (1 – 5 tuổi) chưa sẵn sàng cho các môn thể thao đồng đội.

Vì vậy, cha mẹ cần cho bé làm quen với các kỹ năng vận động cơ bản, làm nền tảng cho việc rèn luyện thể thao sau này.

Bé có thể bắt đầu với việc vui chơi ngoài trời, ít nhất 60 phút mỗi ngày. Một số hoạt động có thể do người lớn hướng dẫn, tuy nhiên, nên là những trò chơi tự do. Trẻ thoải mái trơi với bóng, chạy vòng vèo quanh sân chơi, leo trèo ở các cầu trượt, ngựa gỗ…

Bơi lội là môn thể thao có thể bắt đầu khá sớm, ngay khi con bạn chưa tới 2 tuổi. Ngoài ra, nhảy múa, chạy bộ, đạp xe cùng với bố mẹ cũng là những lựa chọn thú vị để con làm quen với hoạt động thể chất.

2. Quá nhiều hay quá ít môn thể thao đều không tốt

Nhiều bậc cha mẹ muốn con tập trung vào chỉ 1 môn thể thao, trong khi các phụ huynh khác lại cho con tập 4 môn cùng một lúc.

Cả hai khuynh hướng này đều sai lầm.

Nếu chỉ cho trẻ tập 1 môn, trẻ sẽ có cảm giác nhàm chán. Những lịch tập lặp đi lặp lại khiến trẻ có cảm giác đang thực hiện ‘công việc’ hơn là một hoạt động giải trí.

Ngược lại, nếu có quá nhiều môn, trẻ sẽ quá ‘bận rộn’ để có thể yêu thích và lựa chọn một môn thể thao để theo đuổi.

Theo các chuyên gia, con số phù hợp nhất là: 2 – 3 môn thể thao/năm.

Với việc thay đổi đa dạng các môn thể thao, bé sẽ phát triển rộng rãi cá kỹ năng vận động. Sau đó, khi đến 6 tuổi, trẻ có thể xác định được mình thực sự yêu thích và nên theo đuổi môn thể thao nào.

3. Giữ thể thao ở mức ‘trò chơi’

Con có thể lựa chọn chơi tung hứng bóng với anh chị em trong sân nhà hoặc đạp xe đạp trong sân chung cư, đó là quyền lựa chọn của con.

Đừng biến bất cứ một hoạt động thể thao nào trở thành bài học nặng nề, đặt ra áp lực về thành tích hay lịch tập luyện với trẻ.

Cha mẹ chỉ cần đảm bảo con có hoạt động ngoài trời, sử dụng thời gian để chơi và di chuyển nhiều hơn so với việc ngồi dán mắt vào màn hình smartphone.

Đừng lo lắng nếu con chưa thể hiện niềm say mê thực sự với một môn thể thao nào khi con dưới 6 tuổi.

Quá trình tập luyện từ bậc tiểu học vẫn có thể tạo ra vận động viên hàng đầu, đặc biệt nếu bé đã rất ưa hoạt động trong thời thơ ấu.

choi voi con

Chỉ cần đảm bảo con có thời gian hoạt động thể chất, còn các yếu tố khác đều không quan trọng 

4. Luôn tạo cơ hội cho con thử nghiệm

Nếu con bạn không giỏi đá bóng, nhưng bạn cứ cố gắng ép con, có thể con sẽ luôn có tâm lý ‘thua cuộc’ và e ngại với các môn thể thao khác.

Cha mẹ thường có xu hướng cho con tập môn thể thao mà… con của hàng xóm hay bạn bè họ cũng tập. Thực ra, trẻ chỉ có thể tập trung và đạt thành tích tốt với những môn thể thao mà chính con lựa chọn.

Ở lứa tuổi nhỏ, nên cho con thử nghiệm nhiều loại hình thể thao. Bạn có thể bất ngờ về sự lựa chọn của con.

5. Con cần hiểu về sự kiên trì

Ở tầm 5 - 7 tuổi, trẻ bắt đầu học được tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật ở nhà trường. Vì vậy, hãy giải thích cho con về sự kiên trì theo đuổi một môn thể thao, ít nhất là trong 1 khóa học.

Ví dụ, con đã chọn đi học bơi, hãy nói rõ cho con biết con phải tham gia từ đầu đến cuối khóa học đó.

Hãy giải thích điều này trước khi đăng ký học, để nếu con không thực sự thích, con vẫn có thể dừng lại và lựa chọn môn học khác.

Một số trẻ em có thể muốn bỏ học môn nào đó sau vài buổi tập nếu chúng gặp khó khăn. Ở thời điểm đó, cha mẹ nên động viên con vì những kỹ năng của con sẽ hoàn thiện dần, con sẽ tiến bộ đủ để vượt qua giai đoạn thử thách.

6. Không so sánh con với các bạn chơi

Ở tuổi này, thông thường các con sẽ tự so sánh bản thân mình với các bạn trong đội chơi hoặc đối thủ.

Nhiều trẻ sẽ trở nên… mặc cảm khi thấy mình thấp hơn, gầy hơn, kém hơn về kỹ năng so với bạn chơi lớn tuổi hơn. Một trẻ 7 tuổi cũng có mức phát triển thua xa với trẻ 9 tuổi.

Cha mẹ cần động viên con để nhận thấy rằng sự khác biệt này là rất bình thường.

Cha mẹ tuyệt đối không nên so sánh con với các bạn chơi. Hãy nhắc con bạn tập trung vào kết quả của chính bản thân bé, không phải quan tâm nhiều đến kết quả của bạn khác.

‘Tập luyện bằng tất cả khả năng tốt nhất của mình, thắng thua không quan trọng!’

Hay: ‘Không có ai hoàn hảo, tất cả mọi người đều mắc sai lầm – đặc biệt là khi học kỹ năng mới’ – đây là những câu nói cần thường xuyên nhắc lại với con.

tre tap the thao

Tập luyện thể thao giúp con rèn luyện ý chí, khả năng tập trung và kỹ năng hợp tác

7. Nhìn tổng thể, không nhìn vào thành tích trước mắt

Nếu như trẻ thể hiện năng khiếu thể thao ở độ tuổi này, một số cha mẹ bắt đầu ‘nằm mơ giữa ban ngày’ về chuyện con sẽ trở thành vận động viên thể thao.

Nhiều người quên rằng mục đích ban đầu của họ cho con tập thể thao chỉ là để củng cố sức khỏe, kỹ năng sống… và bị cuốn vào việc cho con tham gia các giải đấu, tìm huấn luyện viên riêng…

Khi cha mẹ tạo áp lực, con cũng không muốn cha mẹ thất vọng, nên việc tập luyện thể thao trở thành ‘chạy đua thành tích’ và mất đi ý nghĩa ban đầu.

Vì vậy, cha mẹ hãy đừng quá kỳ vọng. Thay vào đó, cha mẹ hãy bầy tỏ sự quan tâm đến những trải nghiệm mà con có được sau các bài tập, niềm vui hay cảm giác hào hứng của con…

Phương Phương

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính