Theo bác sĩ BV K, những đối tượng có nguy cơ cao cần tầm soát ung thư gan bao gồm:
1. Người mắc bệnh về gan và người có tiền sử gia đình mắc ung thư gan
Người mắc bệnh viêm gan virus B, C, xơ gan, gan nhiễm mỡ,… và người trong gia đình có người mắc ung thư gan có nguy cơ bị ung thư gan cao hơn những người bình thường nên cần được tầm soát ung thư sớm.
Nhất là những người không may mắc viêm gan B, C thể hoạt động thì cần điều trị sớm sẽ tránh nguy cơ biến chứng thành ung thư gan. Bởi virus viêm gan B và viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát.
Các bệnh viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác như như đái tháo đường typ 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ,.... thì cần điều trị các bệnh tự miễn để tránh biến chứng sang gan về sau.
Đối với những người chưa tiêm vắc-xin phòng virus viêm gan B thì nên tiêm phòng sớm nhất để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
2. Người bị béo phì, đái tháo đường
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, những năm gần đây, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường, béo phì kèm theo ung thư gan trên thế giới đã gia tăng đáng kể. Đường máu và mỡ máu cao sẽ được tích tụ tại gan, dẫn đến tổn thương thoái hoá các tế bào gan và dẫn tới xơ gan, làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.
3. Người thường xuyên uống nhiều rượu bia
Rượu bia đều là những chất có khả năng thúc đẩy gen sinh ung thư phát triển nhanh, dẫn đến ung thư sớm. Acetaldehye được sinh ra trong quá trình chuyển hóa rượu cũng làm suy yếu khả năng sửa chữa sai sót tự nhiên DNA của tế bào, gây tăng nguy cơ đột biến tế bào, từ đó khối ung thư sẽ hình thành.
Ngoài ra, rượu bia còn gây tổn thương các tế bào gan, khi uống quá nhiều rượu bia, chức năng thải độc của gan sẽ bị quá tải, các tế bào gan bị tổn thương, hình thành nên các mô sẹo, xơ, từ đó dễ dẫn tới ung thư gan.
4. Người ăn thực phẩm nấm mốc
Chất aflatoxin trong nấm mốc là loại độc tố gây ung thư gan mạnh nhất hiện nay. Nấm mốc thường xuất hiện ở những thực phẩm bảo quản, lưu trữ trong môi trường nóng, ẩm như gạo, lạc, đậu tương, lúa mì, ngô…
5. Người hay ăn thực phẩm sống nhiễm sán
Các loại thực phẩm sống không được chế biến lỹ như món gỏi thường hay chứa nhiều loại sán (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ…). Mà những loại sán này khi đi vào cơ thể sẽ tấn công phá hủy gan, gây ung thư gan.
6. Người lạm dụng thuốc, hóa chất gây tổn thương gan
Những người thường xuyên sử dụng hoặc tiếp xúc với một số loại thuốc hoặc hóa chất trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho gan và dẫn tới ung thư gan. Ví như thorotrast (trước đây được sử dụng cho chẩn đoán hình ảnh), vinyl chloride (sử dụng trong công nghiệp nhựa)…
7. Người thường xuyên sử dụng chất kích thích
Các chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, cà phê nếu sử dụng với hàm lượng nhiều, trong thời gian dài có thể gây nên các bệnh về gan, trong đó có ung thư gan.
Với 7 đối tượng nói trên rất cần được thăm khám, sàng lọc sớm các bệnh về gan nói chung và bệnh ung thư gan nói riêng. Việc khám kiểm tra ung thư gan không quá phức tạp, thông thường, các bác sĩ sẽ cho chỉ định làm xét nghiệm chỉ số ung thư gan và siêu âm hình thái gan, để có thể đánh giá về nguy cơ đối với lá gan. Sau đó, nếu nghi ngờ, các bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán xác định. Việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao hơn, kéo dài sự sống cho người bệnh.
An AnBạn đang xem bài viết 7 đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan, cần tầm soát ngay kẻo muộn tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].