Những dấu hiệu sớm nhất cảnh báo ung thư dạ dày mà nhiều người đang bỏ qua

Bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc có một số biểu hiện nhưng thường không rõ ràng khiến nhiều người bỏ qua. Chính vì vậy mà nhiều trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện khi tế bào ung thư đã di căn ra các cơ quan khác.

Đau bụng, đầy tức bụng là dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư dạ dày. Ảnh minh họa

Đau bụng, đầy tức bụng là dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư dạ dày. Ảnh minh họa

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hoá phổ biến ở Việt Nam. Ung thư dạ dày hình thành khi các tế bào trong dạ dày bắt đầu phát triển mất kiểm soát và lấn át các tế bào lành.

Các tế bào ung thư có thể lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Các tế bào ác tính trong dạ dày đôi khi di chuyển đến gan và phát triển ở đó, điều này được gọi là di căn.

Có nhiều loại ung thư dạ dày, một số rất hiếm gặp. Hầu hết ung thư dạ dày là ung thư biểu mô tuyến. Những tế bào ung thư này có nguồn gốc từ các tế bào tuyến lót bên trong dạ dày. 

Nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày

Theo bác sĩ BV K, hiện vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ung thư dạ dày, tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, bao gồm:

- Các tổn thương tiền ung thư: Teo niêm mạc dạ dày; tế bào ở niêm mạc dạ dày biến đổi hình thái giống như tế bào ở ruột và đại tràng (chuyển sản ruột); tế bào niêm mạc dạ dày biến đổi cấu trúc, thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể (nghịch sản).

- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Gây viêm loét dạ dày và phá hủy niêm mạc dạ dày, gây nên các tổn thương tiền ung thư.

- Béo phì: Người béo phì dễ mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường, nhất là ung thư phần tâm vị.

- Di truyền: Tỷ lệ di truyền gen viêm teo dạ dày từ mẹ sang con là 48%. Ngoài ra, sự đột biến di truyền của E - cadherin gen (CDH1) hay mắc phải các hội chứng di truyền như đa polyp tuyến, bệnh ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp cũng liên quan đến ung thư dạ dày.

- Phẫu thuật dạ dày: Những người có tiền sử phẫu thuật dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao, nhất là khoảng 15 – 20 năm sau phẫu thuật.

- Tuổi tác: Càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày càng cao, nhất là sau tuổi 50.

- Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gấp 2 lần nữ giới.

Những người có tiền sử phẫu thuật dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao. Ảnh minh họa

Những người có tiền sử phẫu thuật dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao. Ảnh minh họa

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày cần lưu ý  

- Đầy tức bụng: Lúc đầu, triệu chứng đau, đầy tức bụng rất giống với trong loét dạ dày (đau liên quan tới bữa ăn, giảm khi dùng các thuốc điều trị loét). Chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn. 

- Chán ăn: Trong nhiều trường hợp, biểu hiện này không đơn thuần chỉ là tiết lộ cơ thể đang gặp rắc rối với vị giác, tốt nhất nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra. Cho dù không phải lúc nào cũng đau bụng nhưng nếu có các khối u ở dạ dày thì cũng có thể là nguyên nhân gây chán ăn. Mà các khối u này chính là yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày, do đó mọi người không được chủ quan. 

- Sụt cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sụt nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.

- Nôn ra máu: Khi nôn có lẫn máu thì cũng nên suy xét đến khả năng ung thư dạ dày.

- Ợ chua, đầy bụng sau khi ăn: Người bị ung thư dạ dày khi ăn xong có cảm giác tức bụng, đầy bụng và buồn nôn... Ợ chua, ợ nóng là một triệu chứng phức tạp, nó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư (thường liên quan đến đau bụng hoặc đau vùng thượng vị) hoặc là yếu tố nguy cơ ung thư. Những người bị chứng ợ chua, ợ nóng có thể bị loét dạ dày tá tràng, có nghĩa là họ có nhiều axit trong dạ dày, điều này khiến họ có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn.

- Đi ngoài phân màu bất thường: Nếu xuất hiện triệu chứng đi ngoài phân đen hoặc trong phân thường xuyên có máu, việc này lặp lại thường xuyên thì rất có thể bạn đã mắc ung thư dạ dày.

Cách phòng ngừa ung thư dạ dày

- Hạn chế ăn đồ ăn mặn: Những thực phẩm này chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất cực độc gây ung thư.

- Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên: Qua chế biến các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.

- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích: Sử dụng những chất kích thích sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.

- Bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý: Ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E. 

- Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.

- Đặc biệt đừng quên khám tầm soát ung thư dạ dày hằng năm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính