Theo HCDC TP.HCM, hội chứng hậu COVID-19 là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Sau khi mắc COVID-19 và được điều trị khỏi, có người bệnh sẽ gặp phải nhứng triệu chứng về sức khỏe kéo dài.
Những triệu chứng vẫn còn dai dẳng thường gặp bao gồm: mệt mỏi, đau khớp; ho khan, hồi hộp, đánh trống ngực; cảm giác mùi và vị giác không rõ; giảm thể lực, khả năng gắng sức; giảm trí nhớ, giảm tập trung, thậm chí lo lắng, trầm cảm, PTSD (post-traumatic stress disorder).
Do đó, bệnh nhân COVID-19 sau điều trị cần lưu ý để tăng cường sức khỏe, ăn uống đầy đủ và tập luyện.
Thói quen sinh hoạt: Duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày hoặc nằm tĩnh tại, khiến cơ thể trì trệ.
Khuyến khích người bệnh vận động nhẹ gồm: Đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh… Vận động nhẹ giúp tiêu hao 200 kcalo/giờ.
Với người lớn tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau nhiễm bệnh. Khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động tinh thần như: Đọc sách, báo, trao đổi, trò chuyện...
Chế độ dinh dưỡng: Ở giai đoạn bệnh, mức chuyển hóa cơ bản tăng 10% khi có sốt, khó thở, vì vậy nhu cầu dinh dưỡng cần để bù đắp cho sự chuyển hóa đó cần được duy trì kể cả khi đã qua giai đoạn nhiễm cấp. Số bữa ăn trong ngày có thể chia từ 3 - 5 bữa tùy theo sức ăn của người bệnh. Nên kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn.
Nếu bệnh nhân mệt mỏi, kém tập trung, buồn ngủ, tiêu hóa kém dễ bị tiêu lỏng thì cần bổ sung kẽm. Với dạng viên uống có thể bổ sung từ 30 - 100 mg kẽm nguyên tố/ngày kéo dài từ 2 - 3 tháng tùy tình trạng cơ thể. Kẽm có trong các loại thức ăn như: Hàu, sò, thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua, cá,… Nên bổ sung cùng với nhóm thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu kẽm.
Ngoài ra, người từng mắc COVID-19 vẫn cần duy trì tập các bài tập thở. Đối với trường hợp có triệu chứng khó thở, hụt hơi, nên có người thân bên cạnh khi tập luyện, tập chậm và không gắng sức. Thời gian tập duy trì 15-30 phút/ngày. Trước khi tập, bạn có thể kết hợp các bài kéo giãn cơ, khởi động khớp, kèm dụng cụ như khăn hoặc gậy để kéo giãn hết tầm vận động của cơ quan này.
Đối với người bệnh còn ho khạc đàm kéo dài, trong quá trình tập, người thân có thể hỗ trợ vỗ lưng khạc đàm để tăng hiệu quả.
V.LinhBạn đang xem bài viết 5 triệu chứng sức khỏe mệt mỏi mà người mắc COVID-19 sau khi điều trị dễ gặp phải tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].