Loãng xương là gì?
Loãng xương là tình trạng giảm mật độ chất khoáng trong xương, kèm suy giảm cấu trúc xương. Đây là bệnh lý thầm lặng, rất phổ biến trên thế giới và Việt Nam.
Loãng xương thường không có triệu chứng điển hình, thường chỉ được biết đến khi xuất hiện đau lưng, đau cổ tay, khớp gối, khớp háng, gãy cổ xương đùi… xương yếu dẫn đến gãy xương với chấn thương nhẹ hoặc không rõ chấn thương.
Đo mật độ xương là gì?
Đo mật độ xương là cách để phòng tránh bệnh loãng xương sớm, biết mức độ loãng xương hoặc để biết hiệu quả của việc điều trị bệnh này.
Cũng thông qua kỹ thuật này, bạn có thể biết được bản thân có đang rơi vào tình trạng giảm khối lượng xương hay không. Nếu không may mắc phải, xương sẽ trở nên giòn và dễ gãy hơn.
5 nhóm đối tượng sau đây cần đi đo mật độ xương ngay:
- Người cao tuổi, đặc biệt trên 65 tuổi đối với cả nam và nữ
- Phụ nữ sau mãn kinh, đặc biệt những người mãn kinh sớm
- Phụ nữ tuổi 45-50 tuổi có cân nặng thấp và chiều cao ”khiêm tốn”
- Đã hoặc đang điều trị các bệnh: cường giáp, cường vỏ thượng thận
- Người có thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ: ít ăn các thực phẩm giàu can xi, vitamin D, ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…
Phát hiện sớm độ loãng xương sẽ giúp bệnh nhân, đặc biệt trong thời kỳ tiền mãn kinh hay mãn kinh, sớm chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, tránh được các sự cố gãy xương không đáng có, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm thiểu chi phí điều trị.
Quy trình đo độ loãng xương
Để việc đo loãng xương diễn ra nhanh chóng và cho kết quả chính xác, bạn cần nắm những thông tin cơ bản sau:
Chuẩn bị gì trước khi đo độ loãng xương?
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng việc bổ sung canxi trong khoảng 24 đến 48 giờ trước khi thực hiện đo loãng xương. Ngoài ra, bác sĩ cũng đưa lời khuyên không nên đeo đồ trang sức kim loại hoặc mặc quần áo có các chi tiết kim loại như nút, khóa kéo… khi thực hiện kỹ thuật này.
Quá trình đo mật độ xương BMD
Khi bước vào thực hiện việc đo mật xương, ngoài những lưu ý trên, bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể trình tự các bước như sau:
Bác sĩ sẽ chỉ định bạn nằm trên giường đệm của máy đo
Máy đo sẽ di chuyển tới, lui để thực hiện việc đo lường
Thời gian đo diễn ra trong khoảng 20 – 30 phút
Hoàn tất quá trình đo, bác sĩ sẽ hẹn bạn thời gian nhận kết quả. Tùy thuộc vào thế hệ máy, kinh nghiệm của bác sĩ đọc kết quả mà thời gian trả kết quả sẽ diễn ra nhanh hay lâu. Hiện nay, với những thế hệ máy móc hiện đại thì thời gian trả kết quả đã được rút ngắn rất nhiều.
V.LinhBạn đang xem bài viết Hắt hơi mạnh cũng có thể gãy xương, 5 nhóm người cần đi đo mật độ xương ngay tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].