Tại Hội thảo "Phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", PGS.TS Đặng Thị Hoa - Quyền Viện trưởng, Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nổi lên 3 vấn đề về bất bình đẳng giới, trong lĩnh vực giáo dục, tham chính và thu nhập.
Thứ nhất, trong lĩnh vực giáo dục, tuy các cấp chính quyền đều nỗ lực vận động trẻ đi học, trẻ em được đến trường. Tuy nhiên hầu hết trẻ em gái ở vùng đồng bào dân tộc chỉ học hết trung học cơ sở, trung học phổ thông; còn tỷ lệ trẻ học nghề, học đại học và sau đại học rất thấp.
Thứ hai, tỷ lệ phụ nữ đồng bào dân tộc làm lãnh đạo cũng như vị thế xã hội nói chung còn thấp. Bà Hoa cho rằng, nguyên nhân là do người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong gia đình. Chính khuôn mẫu giới khiến cho người phụ nữ khi tham gia nhiều hơn công tác xã hội so với nam giới thì sẽ bị gia đình, cộng đồng lên án. Chính vì vậy, việc thúc đẩy bình đẳng giới ở các tỉnh phía nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phải được hết sức quan tâm.
Thứ ba là bất bình đẳng trong vấn đề thu nhập khi thu nhập bình quân của phụ nữ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn so với nam giới. Theo số liệu khảo sát năm 2018 - 2019 của Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mức thu nhập trung bình của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,25 lần (2,583 triệu đồng so với 2,086 triệu đồng).
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, khi đã nhận diện được các vấn đề bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì cần phải tập trung giải quyết. Việc tuyên truyền vận động trong vấn đề bình đẳng giới cần phải có trọng tâm, trọng điểm, có mục đích rõ ràng. Trong đó, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo.
Để phát huy được hơn nữa vai trò của những người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo PGS Hoa, trước hết phải vận động, giải thích, tuyên truyền cho những người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo nhận diện rõ những vấn đề đang dẫn tới bất bình đẳng giới trong cộng đồng với những đặc điểm cụ thể, rõ ràng trong phong tục tập quán, những thành kiến, định kiến hay các thói quen hành vi dẫn tới bất bình đẳng giới.
Mà một trong những khó khăn đối với người có uy tín và chức sắc tôn giáo là phần lớn trong số họ là nam giới. Tỷ lệ nữ giới là người có uy tín, chức sắc có vị trí cao trong tổ chức tôn giáo ở địa phương là rất thấp. Do đó, việc vận động những người nam giới thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi trong cộng đồng từ những người có sự đồng cảm giới tính là rất thuận lợi. Do đó, các địa phương cần quan tâm, chú ý hơn đến những người có uy tín, chức sắc tôn giáo để vận động, tuyên truyền họ lồng ghép các nội dung thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động. Đồng thời, cần có khen thưởng, khích lệ kịp thời những người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo có hoạt động tốt trong công tác bình đẳng giới.
An AnBạn đang xem bài viết 3 vấn đề về bất bình đẳng giới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải xóa bỏ tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].